Hoạt động phá rừng diễn ra rầm rộ suốt 2 tháng qua, nhưng các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng và chính quyền địa phương đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và dường như làm ngơ, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Nằm bên trái Quốc lộ 55 hướng Bình Thuận đi Lâm Đồng, hồ thủy điện Đa Mi được bao bọc bởi những cánh rừng trùng điệp. Trên đèo cao nhìn xuống, trước mắt chúng tôi là một bức tranh sơn thủy hữu tình. Nhìn bên ngoài, ít ai biết bên trong lòng hồ, rừng Đa Mi đang bị phá nát.
Để tiếp cận hiện trường, sáng 20/11 vừa qua, chúng tôi thuê xuồng máy từ suối Đa Bo xuôi vào giữa lòng hồ. Không gian im ắng, chỉ nghe tiếng xuồng máy và tiếng chim hót dội ra từ rừng. Những người dẫn đường bảo rằng chỉ lúc sáng sớm và xế chiều mới có thể nghe tiếng máy cưa. Một người giấu tên cho biết: “Thường thường vào buổi sáng các đối tượng đi phát từ 4 giờ đến 7 giờ sáng, buổi chiều thì phát từ 4 giờ chiều đến 7 giờ tối. Cưa hạ toàn bằng cưa máy. Tôi cũng chẳng hiểu ai đứng đằng ra ở đằng sau để bao che, mà cán bộ lâm trường, cán bộ kiểm lâm không ai biết hết”.
Xuôi hơn 1 cây số, chúng tôi không thể tin vào mắt mình: hết cánh rừng này đến cánh rừng khác bị triệt hạ nằm la liệt. Men theo bờ bên trái, chúng tôi tìm thấy các lối mòn lên những khu vực bị phá trắng. Tại hiện trường, cây lớn, cây nhỏ nằm ngổn ngang. Một số khu vực đã bị đốt, trơ lại những gốc đen cháy xém. Một khu rừng cách Trạm quản lý bảo vệ rừng số 3, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi chừng 600 mét theo đường chim bay, hàng loạt cây lớn bị hạ, cưa thành khúc, các đối tượng chưa kịp đưa ra khỏi rừng.
Theo người dân địa phương, rừng bị phá suốt 2 tháng qua, do một nhóm người “có máu mặt” ở xã Đa Mi cầm đầu, thuê mướn hàng chục người ở Lộc Nam, tỉnh Lâm Đồng và Tánh Linh qua đây chặt phá. Ngoài lấy cây gỗ bán, các đối tượng này phá rừng với mục đích lấy đất sang nhượng trái phép cho những đại gia đầu cơ đất từ miền xuôi lên. Ước tính có khoảng từ 20-30 héc ta rừng tại đây bị phá trắng. Một người dân am hiểu tình hình địa phương thông tin: “Những người phát là nhóm chừng 20-30 người vào đây, phát khu vực này. Hai ba ngày người ta vào, rồi hai ba ngày người ta lại ra…”.
Gần khu vực các cánh rừng bị phá có 2 trạm quản lý bảo vệ rừng, một của Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà và một của Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi. Để xác định chủ rừng thuộc về đơn vị nào, chúng tôi mất nhiều ngày liên hệ và làm việc trực tiếp với từng đơn vị.
Sáng 24/11, chúng đến Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà đóng tại xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh. Lãnh đạo Ban cử ông Hồ Quang Đạo, Trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng Đa Mi thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà cung cấp thông tin. Ông Đạo cho biết, gần đây trong quá trình tuần tra, lực lượng của đơn vị ông nghe tiếng máy cưa, và có phát hiện những nơi bị phá như trong hình ảnh và video chúng tôi ghi lại. Mặc dù ở rất gần, nhưng đó không phải là lâm phận của Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà, nên đơn vị không thể can thiệp. Ông Đạo đã gọi điện thông báo tình hình cho các cơ quan quản lý bảo vệ rừng ở huyện Hàm Thuận Bắc. Ông Hồ Quang Đạo khẳng định: “Vùng này nằm cách ranh giới giữa hai huyện, mà thuộc về bên Hàm Thuận Bắc. Vùng bị phá này nằm trên đất của huyện Hàm Thuận Bắc khoảng hơn 150 mét gần ranh giới hai huyện; không đụng đến lâm phận tiểu khu 337 cũng như tiểu khu 333 của Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà”.
Chúng tôi lại ngược lên Hàm Thuận Bắc. Trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi lại cho rằng khu vực bị phá không thuộc rừng quản lý của đơn vị. Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi đẩy trách nhiệm qua chính quyền địa phương là Ủy ban nhân dân xã Đa Mi. Ông Văn Thanh Kỳ Sang, Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi nói: “Qua số liệu của cán bộ kỹ thuật đi đo, bấm về vẽ sơ đồ ra, cán bộ kỹ thuật nói không phải rừng của mình quản lý, ngoài hệ thống tiểu khu của đơn vị quản lý. Cái đó thì thuộc về của xã quản lý”.
Trong khi đó, ông Huỳnh Anh Vũ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đa Mi lại cho rằng, chưa tận mắt thấy khu vực bị chặt phá nên không biết đó có thuộc xã quản lý hay không; tuy nhiên đã là rừng thì phải do Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi quản lý, chứ Ủy ban nhân dân xã không bao giờ quản lý rừng, chính quyền xã chỉ phối hợp khi cần thiết trong một số công tác.
Đến nay, vẫn không có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng phá rừng. Phải chăng, những cánh rừng bị tàn phá nghiêm trọng trong lòng hồ thủy điện Đa Mi là vô chủ? Nếu như vậy, thì đó là cơ hội để các đối tượng phá rừng tiếp tục tung hoành, phá nát những cánh rừng quý giá còn lại của tỉnh Bình Thuận./