Theo báo cáo của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam, năm 2014, tổng diện tích chủ đầu tư thủy điện trồng rừng thay thế chỉ đạt hơn 50% (837 ha rừng, trong đó các công trình thuỷ điện trồng 783 ha). Dự kiến năm 2015, ước luỹ kế các công trình thuỷ điện sẽ trồng 1.460 ha rừng thay thế; trong đó Thủy điện Sông Bung trồng 444 ha, Sông Tranh 259 ha, Sông Côn 70 ha…; và cũng chỉ đạt hơn 88% kế hoạch cả năm.
Sau khi kiểm tra thực tế hiện trạng rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đưa ra một số giải pháp cụ thể, như: Đối với diện tích trồng rừng thay thế rừng chuyển mục đích sử dụng xây dựng công trình thủy điện Sông Bung 4, UBND tỉnh đồng ý bổ sung hoạt động chăm sóc rừng trồng năm 2 và năm 3 của 141,5 ha rừng phòng hộ thuộc dự án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển mục đích phục vụ dự án từ 2 lần/năm, lên 3 lần/năm. UBND huyện Nam Giang làm việc với Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sông Bung 4 (nay là Cty Thủy điện Sông Bung) để có văn bản thống nhất chuyển 5% kinh phí dự phòng lạm phát theo Quyết định số 517/QĐ-SNN&PTNT ngày 19/7/2012 của Sở NN&PTNT, sang dự phòng khối lượng điều chỉnh để triển khai thực hiện.
Đồng thời, gấp rút từ nay đến cuối năm phải đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế, nếu chủ đầu tư còn dây dưa không thực hiện thì tỉnh sẽ trích quỹ ký cược để trồng lại rừng đã bị mất. Còn nếu huyện nào không còn đất trồng rừng thay thế thì chuyển cho địa phương khác trong tỉnh trồng thay…
Tại cuộc họp trực tuyến ngày 12/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh phải có biện pháp kiên quyết buộc các công trình thủy điện hoàn trả lại diện tích rừng đã bị thiệt hại trong thời gian qua và giao Bộ Công thương phối hợp cùng Bộ NN&PTNT theo dõi việc trồng rừng thay thế của các công trình thuỷ điện. Nếu chủ đầu tư nào không thực hiện lại việc trồng bù rừng, kiên quyết thu hồi giấy phép và dừng hoạt động dự án.
Theo đề xuất của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh về tăng số lần chăm sóc 65 ha trồng rừng thay thế rừng đặc dụng, do chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng thuỷ điện Sông Bung 4 từ 2 lần/năm, lên 3 lần/năm ở năm thứ nhất và năm thứ hai. Nhằm giảm khả năng chèn ép của thực bì và tạo điều kiện để cây rừng trồng sinh trưởng và phát triển, Cty Thủy điện Sông Bung phải chuyển toàn bộ kinh phí trồng rừng và chăm sóc rừng còn lại về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để quản lý và phân bổ cho các đơn vị trồng rừng theo quy định, nhất là tập trung trồng rừng ngay trong những ngày đầu mùa mưa này.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng xác định, do diện tích đất Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh rộng hơn 75.000 ha, nằm trải dài trên 12 xã thuộc 2 huyện Nam Giang, Phước Sơn, vì vậy tình trạng lén lút phá rừng lấy gỗ, làm vàng trái phép liên tục diễn ra, nên cho Ban Quản lý Khu Bảo tồn hợp đồng bảo vệ rừng từ nguồn kinh phí tự chủ do tiết kiệm của đơn vị, để tăng thêm lao động bảo vệ rừng, mua sắm phương tiện hoạt động cần thiết…