Sau cuộc hội thảo tham vấn ý kiến lần 1 diễn ra ngày 28/7/2017 về dự thảo các thông tư thay thế Thông tư 80/2011/TT-BNNPTNT ngày 23/11/2011 hướng dẫn phương pháp xác định tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, Thông tư 20/2012/TT-BNNPTNT ngày 7/5/2012 hướng dẫn trình tự thủ tục nghiệm thu thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, Thông tư liên tịch 62/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày 16/11/2012 hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, bản dự thảo Thông tư mới đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông để lấy ý kiến các bên liên quan.
Mới đây, ngày 22/9, được sự hỗ trợ của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Chương trình UNREDD pha II, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến lần 2 nhằm thu thập thêm các ý kiến đóng góp, làm căn cứ giải trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính trong thời gian tới.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ Tài chính, Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp cùng gần 30 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh.
Tại hội thảo, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam trình bày nội dung dự thảo của 2 Thông tư mới gồm Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (thay thế Thông tư số 80/2011/TT-BNNPTNT, 20/2012/TT-BNNPTNT và một số điều Thông tư số 62/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng (thay thế một số điều Thông tư số 62/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC) do Bộ Tài chính ban hành.
Đa số đại biểu nhất trí cao với nội dung của các dự thảoThông tư mới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ nhiều ý kiến tranh luận về quy định nội dung chi, mức chi, điều kiện tạm ứng thanh toán và thẩm quyền phê duyệt quyết toán đối với Thông tư do Bộ Tài chính ban hành. Còn đối với Thông tư do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thì các ý kiến chủ yếu xoay quanh về thời gian điều chỉnh kế hoạch, lập và duyệt kế hoạch thu chi và dự toán chi quản lý và trách nhiệm của Quỹ trong việc xác định diện tích làm căn cứ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.
Thông tư mới được xây dựng trên quan điểm là hướng dẫn những gì không trái với quy định của Nghị định 99/2010/NĐ-CP, Nghị định 147/2016/NĐ-CP và những gì phát sinh trên thực tiễn thì cố gắng không làm phức tạp hóa thêm; phát huy quyền chủ động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm bớt tối đa cơ chế xin cho; luôn tiếp cận theo hướng phát triển mới, tiếp cận rộng hơn mà vẫn đảm bảo nguyên tắc không phát sinh thêm thủ tục hành chính. Mọi người tin tưởng rằng Thông tư mới sẽ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc những năm qua, góp phần ngày càng thực hiện hiệu quả chính sách trong thời gian tới.
Tiếp theo, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu có chọn lọc những ý kiến đóng góp tại hội thảo, hoàn thiện lần cuối bản dự thảo các thông tư này để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính xem xét và phê duyệt trong tháng 10/2017.
Ngoài ra, quy định về chi trả dịch vụ môi trường rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) cũng được trình bày, chia sẻ tại hội thảo.