Ngày 16/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 886/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020, với mục tiêu tổng thể nhằm: Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Chương trình có các mục tiêu cụ thể, gồm: (1) Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5% đến 6,0%/năm; (2) Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%, diện tích rừng các loại đạt 14,4 triệu ha; (3) Năng suất rừng trồng bình quân đạt 20 m3/ha/năm; (4) Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 8,0 đến 8,5 tỷ USD; và (5) Duy trì ổn định 25 triệu việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Vườn ươm cây giống - Nguồn ảnh: Tổng cục lâm nghiệp
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình là: (1) Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, trong đó: Đảm bảo 15% diện tích hệ sinh thái rừng bị suy thoái được phục hồi và bảo tồn; giảm diện tích rừng bị thiệt hại và số vụ vi phạm 30-35% so với giai đoạn 2011-2015; (2) Phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng rừng, trong đó: Trồng mới và trồng lại rừng sau khai thác: 1.025.000 ha; trong đó: 75.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; 200.000 ha rừng trồng thâm canh gỗ lớn; Khoanh nuôi tái sinh rừng: 360.000 ha/năm; Trồng cây phân tán: 250 triệu cây; Chuyển hóa rừng trồng, kinh doanh gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn: 90.000 ha; và diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống từ 75-80%; (3) Nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm lâm nghiệp, thông qua phát triển công nghiệp chế biến gỗ, tăng tỷ trọng đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở, hạ tầng và dịch vụ trong lâm nghiệp, hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững: 100.000 ha rừng/năm.
Tổng mức vốn dự kiến của Chương trình là: 59.600 tỷ đồng, trong đó: (1) Ngân sách Trung ương: 14.575 tỷ đồng, (2) Vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác: khoảng 45.025 tỷ đồng. Để tổ chức thực hiện Chương trình, ở trung ương sẽ thành lập Ban chỉ đạo nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở Ban chỉ đạo nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng ban, các ủy viên là lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; ở địa phương sẽ thành lập Ban chỉ đạo Chương trình cấp tỉnh trên cơ sở Ban chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng ban. Cơ chế quản lý, điều hành Chương trình được áp dụng theo quy chế quản lý, điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia.
Việc phê duyệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình sẽ có tác động lớn tới phát triển ngành Lâm nghiệp, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020./.