Qua hơn 8 năm triển khai, thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã có tác động rất lớn, làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Đến nay, cùng với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có 41 địa phương thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, ký được 471 hợp đồng uỷ thác chi trả DVMTR (thủy điện là 324 hợp đồng; nước sạch là 88 hợp đồng; du lịch là 59 hợp đồng).
Hàng năm, nguồn thu DVMTR bình quân từ 1.200-1.300 tỷ đồng; tương đương với 22-25% tổng đầu tư bình quân hàng năm của toàn xã hội cho ngành lâm nghiệp. Đây là nguồn tài chính ổn định, bền vững, có khả năng sẽ được tiếp tục tăng cao do khai thác các DVMTR mới. Tổng thu tiền DVMTR toàn quốc tính đến ngày 31.12.2016 là 6.510,7 tỷ đồng, trong đó từ thủy điện là 6.318,4 tỷ đồng (chiếm 97,04%); cơ sở sản xuất nước sạch là 178,4 tỷ đồng (chiếm 2,73%) và cơ sở du lịch là 13,868 tỷ đồng (chiếm 0,23%).
Nhờ có chính sách chi trả DVMTR đã tạo ra nguồn tài chính ổn định, giảm áp lực chi cho ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng. Hiện có trên 500 nghìn hộ gia đình, cộng đồng, chủ yếu là đồng bào dân tộc miền núi được nhận tiền chi trả DVMTR trực tiếp và qua nhận khoán. Mức thu DVMTR bình quân chung khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm.
Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần hỗ trợ kinh phí cho các chủ rừng để quản lý bảo vệ rừng tốt hơn, nhất là các công ty lâm nghiệp khi phải đóng cửa rừng, dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên. Số tiền DVMTR chi trả cho các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức quản lý bảo vệ 5,87 triệu ha rừng, chiếm gần 42% tổng diện tích rừng toàn quốc.
Đặc biệt chính sách có ý nghĩa rất lớn đối với các chủ rừng là tổ chức đã quản lý bảo vệ hơn 4,602 triệu ha rừng từ nguồn tiền DVMTR, trong đó: 208 Ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ quản lý 2,94 triệu ha; 81 công ty lâm nghiệp quản lý bảo vệ 716,5 nghìn ha; 467 UBND cấp xã quản lý 590,5 nghìn ha; 195 chủ rừng khác là các đơn vị công an, bộ đội, doanh nghiệp và trung tâm nghiên cứu quản lý 356,4 nghìn ha.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng trong quá trình thực hiện chi trả DVMTR, vẫn gặp một số tồn tại, khó khăn như: Nguồn thu DVMTR vẫn còn thấp so với tiềm năng. Trên thực tế, mới có 3 loại DVMTR được thực hiện (thủy điện, nước sạch và du lịch); các đối tượng khác như cơ sở công nghiệp có sử dụng nguồn nước, sử dụng dịch vụ hấp thu carbon và cơ sở nuôi trồng thủy sản và chưa được thực hiện. Tiền DVMTR thu từ các nhà máy thủy điện hiện nay là 36đồng/kwh, từ các nhà máy sản xuất nước sạch là 52đồng/m3 thấp hơn nhiều so với giá trị dịch vụ môi trường do rừng tạo ra.
Việc chi trả tiền DVMTR theo từng lưu vực, từng cơ sở sử dụng DVMTR đã tạo ra sự chênh lệch rất lớn giữa các tỉnh, giữa các khu vực trên cùng một lưu vực sông chính làm cho thu nhập của người làm nghề rừng có sự khác biệt. Một số đơn vị chưa trả, trả chậm, nợ đọng tiền DVMTR gây ảnh hưởng đến kế hoạch thu, chi và kế hoạch quản lý, hiệu quả bảo vệ rừng của các chủ rừng.
Để khắc phục tồn tại, hạn chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã và đang tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành đề xuất, thể chế hoá các quy định về DVMTR trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua; đồng thời trình Chính phủ xem xét tăng mức thu tiền DVMTR để tiệm cận với giá trị DVMTR do rừng tạo ra; đôn đốc đẩy mạnh chi trả DVMTR đối với các cơ sở du lịch; trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm chi trả DVMTR đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở công nghiệp sử dụng nguồn nước và dịch vụ hấp thụ carbon; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và chỉ đạo các đơn vị, địa phương, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thực thi chính sách chi trả DVMTR.
Từ thực tiễn hơn 8 năm qua có thể khẳng định chi trả DVMTR là chủ trương, chính sách mới, đi vào cuộc sống, tạo ra mối quan hệ kinh tế, gắn kết các bên cung ứng với bên sử dụng và hưởng lợi từ DVMTR. Thông qua thực tiễn triển khai chính sách đã đề cao được vai trò, giá trị kinh tế của rừng trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, chất lượng rừng tự nhiên bị suy giảm và nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho bảo vệ, phát triển rừng còn hạn chế.
Trong thời gian tới, với việc thể chế hoá các nội dung về DVMTR trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), cùng sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, chính sách chi trả DVMTR sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất và hiện thực hoá chủ trương, biện pháp tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, tạo thêm động lực để khuyến khích “người làm nghề rừng sống được từ rừng”; các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng nhận giao, khoán bảo vệ rừng được hưởng lợi, có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống, yên tâm, gắn bó hơn với rừng.
daibieunhandan.vn/default.aspx