Nghị định số 99/2010/NĐ-CP, ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2011. Nhưng, đến nay nguồn thu DVMTR mới chỉ tập trung vào 3 nhóm đối tượng chính: Thuỷ điện, nước sạch và du lịch; còn một số đối tượng khác như: nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất công nghiệp (SXCN) có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước chưa thực hiện chi trả do còn thiếu quy định cụ thể về đối tượng phải chi trả, mức chi trả và phương thức chi trả.
Lào Cai là địa phương đầu tiên trong cả nước đang thí điểm DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước từ rừng. Với sự hỗ trợ của dự án “Tăng cường thực thi chính sách chi trả DVMTR ở Việt Nam” (IPFES), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 1551/QĐ-UBND ngày 27/5/2016 quy định thí điểm về mức thu, quản lý và sử dụng tiền DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai bắt đầu từ tháng 7/2016. Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh Lào Cai đã ký hợp đồng chi trả DVMTR với 16 cơ sở sản xuất công nghiệp theo Quyết định của UBND tỉnh, tổng thu tiền DVMTR đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách chi trả DVMTR, thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF) phối hợp với các cơ quan đơn vị, chương trình dự án có liên quan tiến hành nghiên cứu, thí điểm chi trả DVMTR đối với các cơ sở SXCN có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước tại Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh .
Nguồn ảnh: Quỹ BV&PTR tỉnh Nghệ An
VNFF phối hợp với Dự án Rừng và Đồng bằng (VFD) hỗ trợ Sở NN&PTNT, Quỹ BV&PTR Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tiến hành nghiên cứu, thí điểm chi trả DVMTR đối với các cơ sở SXCN có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước trên địa bàn 3 tỉnh. Việc thu thập tại thực địa, điều tra, khảo sát, phân tích, xây dựng báo cáo nghiên cứu đã được các tư vấn hoàn thành. Theo đó, nhóm tư vấn đề xuất 4 phương án mức thu có thể thực hiện, đó là mức 673,19 đồng/1m3; 36,82 đồng/1m3; 45,62 đồng/1m3; và 50 đồng/1m3 nước tự khai thác hoặc mua từ công ty thủy lợi. Sau khi phân tích ưu nhược điểm của từng phương án, nhóm tư vấn đề xuất mức chi trả là 50 đồng/1m3 nước tự khai thác hoặc mua từ công ty thủy lợi để phục vụ cho cho sản xuất công nghiệp. Khi áp dụng thí điểm với 24 cơ sở tại Thanh Hóa, 12 cơ sở tại Nghệ An và 5 cơ sở tại Hà Tĩnh thì tổng thu tương ứng là 976,9 triệu/năm; 316,4 triệu/năm và 736,6 triệu/năm. Đặc biệt, khi Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động ổn định thì tổng thu dự kiến tiền DVMTR của tỉnh Hà Tĩnh sẽ tăng thêm 1,39 tỉ đồng mỗi năm. Về căn cứ thu tiền DVMTR, nhóm nghiên cứu đề xuất áp dụng thu tiền DVMTR theo lượng nước khai thác đăng ký được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cấp phép (có sử dụng Tỷ lệ huy động công suất trong kỳ để điều chỉnh) và giấy tờ mua nước với công ty thủy lợi. Đến nay, trên cơ sở các ý kiến tham luận, góp ý tại 02 cuộc hội thảo đã diễn ra tại Nghệ An và 01 cuộc hội thảo tại Hà Tĩnh trong tháng 4/2017, nhóm tư vấn sẽ tiếp tục hoàn thiện nội dung báo cáo, thực hiện các thủ tục tham vấn để Sở NN&PTNT tham mưu UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh ban hành Quyết định thí điểm chính sách.
Kết quả các hoạt động nghiên cứu, thí điểm tại Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh sẽ cung cấp thêm thông tin để VNFF tham mưu Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thực hiện chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước áp dụng trên phạm vi toàn quốc, dự kiến vào Quý III/2017.