Hội nghị “Phát triển dịch vụ môi trường rừng bền vững”, do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra ngày 24/3/2017 tại Hà Nội.
Trong bối cảnh nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng còn chưa tương xứng với tiềm năng, vai trò của rừng mang lại, chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn lực xã hội cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng là hết sức cấp thiết, Ngày 14/01/2008 Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2008/NĐ-CP về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng nhằm mục đích thu hút, tiếp nhận các nguồn tài chính ngoài ngân sách Nhà nước cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tiếp theo đó, ngày 10/04/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg thực hiện thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Sơn La và tỉnh Lâm Đồng và ngày 24/09/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Đến nay, chi trả dịch vụ môi trường rừng đóng vai trò quan trọng trong lộ trình tái cơ cấu và định hướng phát triển nhanh, bền vững ngành lâm nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH TW Đảng khoá X.
Sau hơn 8 năm tổ chức hoạt động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (2008-2016) gắn với 6 năm triển khai thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/09/2010 của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các Chính sách này đã từng bước lan toả, tạo ra nguồn tài chính mới, ổn định, bền vững cho bảo vệ phát triển rừng, gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng miền núi.
Đến nay, toàn quốc đã có 42 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ trung ương đến địa phương, huy động ủy thác nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2016 đạt hơn 6.510 tỷ đồng, bình quân trên 1.200 tỷ đồng/năm. Tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quản lý bảo vệ 5,8 triệu ha rừng, chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc; góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng; hỗ trợ các Công ty Lâm nghiệp khi dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và hỗ trợ kịp thời cho người dân miền núi bảo vệ rừng có điều kiện nâng cao đời sống trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn.
Hội nghị lần này nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, xác định những tồn tại, khó khăn và thảo luận tìm ra các nguyên nhân, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, thúc đẩy thực thi chính sách, đặc biệt là thúc đẩy việc nghiên cứu, đề xuất khai thác hết các tiềm năng của dịch vụ môi trường rừng đề xuất mức chi trả dịch vụ môi trường rừng tiệm cận với giá trị thực; đề xuất với Quốc hội về sáng kiến tạo cơ chế tài chính mới để Luật hóa trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) làm căn cứ pháp lý tổ chức thực hiện.