Sau hơn 2 năm triển khai với nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng cường năng lực quản lý, thực thi có hiệu quả chính sách chi trả DVMTR, góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng và cải thiện sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng ở Việt Nam, dự án được đánh giá là thành công dù thời gian thực hiện không dài.
Dự án đã hoàn thành các chỉ tiêu đầu ra theo kế hoạch. Thành công lớn nhất của dự án là nghiên cứu về DVMTR đối với nuôi cá nước lạnh và sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước từ rừng. Hai DVMTR này đã được thể chế hóa và thực hiện thành công tại Lào Cai, tạo tiền đề để mở rộng mô hình trong tương lai trên phạm vi cả nước, góp phần gia tăng nguồn thu DVMTR. Bên cạnh đó, dự án còn nghiên cứu về đánh giá kinh tế các DVMTR về nuôi trồng thủy sản (Thừa Thiên Huế - Nuôi tôm trên cát, Cà Mau - rừng ngập mặn).
Nghiên cứu, xây dựng thành công hệ thống WebGIS cho chi trả DVMTR và tích hợp vào hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp, cơ sở dữ liệu của dự án DPFES. Các khóa tập huấn, đào tạo ToT, tăng cường năng lực, hội thảo chia sẻ về các lĩnh vực dữ liệu thông tin, quản lý tài chính, kế toán, truyền thông cũng đã được tổ chức cho cán bộ các đơn vị liên quan thực hiện chính sách.
Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam khẳng định kết quả của dự án là cơ sở quan trọng để Quỹ BV&PTR Việt Nam nghiên cứu, tham mưu trình Bộ NN&PTNT ban hành hướng dẫn, các bước tiến hành cơ chế DVMTR mới áp dụng cho các địa phương. Ông cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tiếp tục hỗ trợ việc chia sẻ, tuyên truyền kết quả dự án.