Tham dự Hội thảo có khoảng trên 80 đại biểu đến từ một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Tuyên Quang, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Công ty chế biến gỗ, nhóm hộ, các Tổ chức phi chính phủ, Tổ chức quốc tế, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Trường Đại học Lâm nghiệp.
Hội thảo đã thông tin đến các đại biểu về quá trình và tiến độ xây dựng bộ tiêu chuẩn, cũng như tạo điều kiện để nhiều bên tham gia chia sẻ ý kiến của mình trong việc hoàn thiện bộ tiêu chuẩn QLRBV.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận cụ thể về các nhóm chỉ số thuộc lĩnh vực môi trường, kinh tế và xã hội trên cơ sở phân tích chuyên sâu về tính phù hợp, tính khả thi, khả năng áp dụng trong thực tiễn của từng chỉ số. Nội dung tham vấn lần 3 này dựa trên kết quả thử nghiệm bản dự thảo lần 2 tại Công ty Lâm nghiệp Hương Sơn, Hà Tĩnh và nhóm hộ tại tỉnh Quảng Trị trong tháng 9 năm 2016.
Dự kiến, sau khi kết thúc 60 ngày tham vấn và hoàn thiện dựa trên kết quả tham vấn, đến tháng 3/2017 bộ tiêu chuẩn QLRBV FSC quốc gia Việt Nam sẽ được gửi tổ chức FSC quốc tế công nhận và sớm được sử dụng trong đánh giá, cấp chứng chỉ tại Việt Nam
Kết luận Hội thảo, ông Lê Văn Bách, Vụ trưởng Vụ Quản lý sản xuất Lâm nghiệp đánh giá cao nỗ lực của dự án ForCES (SNV) và sự hỗ trợ của GIZ trong việc xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn QLRBV, góp phần quan trọng thúc đẩy quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng ở Việt Nam.
Hội thảo này trong kế hoạch của Dự án “Chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng Việt Nam” do Vụ Quản lý sản xuất Lâm nghiệp thuộc Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì, phối hợp với tổ chức GIZ thực hiện./.