Ngày 16/12/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc gia về Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Hội thảo thu hút sự quan tâm của hơn 260 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi); lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cán bộ lão thành trong Ngành; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực lâm nghiệp; lãnh đạo UBND một số tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm; một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ,… Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đồng chủ trì Hội thảo.
Theo đó, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) được xây dựng dựa trên quan điểm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về lâm nghiệp. Cụ thể là Nghị quyết số 26-NQ/TW, Nghị quyết số 24-NQ/TW, Kết luận số 97-KL/TW. Thể chế hóa quan điểm rừng vừa là tài nguyên (Điều 53, Hiến pháp 2013), vừa là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, vừa là yếu tố quan trọng bậc nhất của môi trường sinh thái; quản lý rừng bền vững và xã hội hóa nghề rừng. Lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng, theo chuỗi giá trị từ quản lý, bảo vệ, gây trồng, khai thác, chế biến, thị trường lâm sản và các dịch vụ liên quan đến rừng. Có chính sách tạo nguồn và thu hút các nguồn lực đầu tư cho lâm nghiệp, phát triển lâm nghiệp bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, chủ rừng và người làm nghề rừng, đóng góp ngày càng tăng vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Luật bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) cũng kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, đưa vào luật những quy định đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, bảo đảm tính liên tục, thống nhất và đồng bộ giữa quy định của Luật này với các luật khác có liên quan, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Dự thảo Luật có 12 Chương và 97 Điều. Cấu trúc các nội dụng của Luật theo hướng quy định rõ trách nhiệm của nhà nước về quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quản lý rừng; quyền và nghĩa vụ của các chủ rừng; điều chỉnh các hoạt động theo chuỗi giá trị lâm nghiệp, từ bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến, thị trường lâm sản và các dịch vụ liên quan đến các điều kiện được bảo đảm thực hiện Luật. So với Luật năm 2004, dự thảo bổ sung 4 Chương mới: “Chế biến và Thị trường lâm sản”; “Hợp tác quốc tế trong lâm nghiệp”; “Quản lý nhà nước về lâm nghiệp”; “Giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp”. Trong tổng số 97 Điều của Dự thảo, Luật kế thừa 11 Điều, sửa đổi 58 Điều; bổ sung mới 28 Điều; bỏ 19 Điều. Như vậy, tổng số Điều sửa đổi bổ sung là 86, chiếm 88% tổng số Điều của Dự thảo Luật.
“Dự thảo Luật lần này đẩy nhanh, sâu sắc hơn chủ trương xã hội hóa trong lâm nghiệp, tạo khung chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Phát triển lâm nghiệp đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng; từ trồng rừng đến khai thác, chế biến, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái và thị trường lâm sản” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Hội thảo đã lắng nghe 22 ý kiến góp ý của các đại biểu tập trung vào 04 vấn đề trọng tâm: phạm vi điều chỉnh và tên Luật, các hình thức sử hữu rừng, giao rừng cho cộng đồng dân cư, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm. Ngoài ra, các đại biểu cũng đã có góp ý trực tiếp vào những nội dung cụ thể của Dự thảo.
Trên cơ sở các ý kiến tham gia tại Hội thảo cũng như ý kiến góp ý bằng văn bản, Tổ biên tập sẽ tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Luật gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước 30/12/2016./.