Lào Cai là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm cơ chế quản lý và sử dụng tiền DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ du lịch và nuôi cá nước lạnh. Với tiềm năng sẵn có và sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, cơ chế thí điểm trên đã tạo nên nguồn lực tài chính hỗ trợ cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh, trồng rừng, giữ rừng, điều tiết và duy trì nguồn nước.
Theo báo cáo tại Hội thảo, đã có 61 đơn vị trên địa bàn tỉnh Lào Cai (34 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, 18 cơ sở nuôi cá nước lạnh, 9 cơ sở sản xuất công nghiệp) thực hiện thí điểm chi trả DVMTR ký kết hợp đồng ủy thác và thanh toán 2,737 tỷ đồng về Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó, chủ yếu là cơ sở kinh doanh du lịch (2,652 tỷ đồng). Số tiền trên sau khi trừ các khoản trích lập theo quy định đã được cân đối sử dụng hỗ trợ các dự án, phi dự án trồng rừng cảnh quan theo phê duyệt của UBND tỉnh.
Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh dự kiến thu trên 34 tỷ đồng tiền DVMTR từ các đơn vị thực hiện thí điểm, trong đó, dự kiến thu từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch là 28 tỷ đồng; cơ sở nuôi cá nước lạnh trên 2,4 tỷ đồng và cơ sở sản xuất công nghiệp là trên 3,6 tỷ đồng.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, 26 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng có tiềm năng đã được học hỏi kinh nghiệm, tham quan tìm hiểu mô hình hoạt động của Chi nhánh mỏ đồng Sin Quyền (huyện Bát Xát), cơ sở nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) của Công ty TNHH Thiên Hà (huyện Sa Pa) và đơn vị kinh doanh du lịch - Khu du lịch sinh thái VQG Hoàng Liên (huyện Sa Pa).
Mặc dù đây là những kết quả thí điểm ban đầu, nhưng đã góp phần gia tăng nguồn thu tiền DVMTR, tạo thêm nguồn lực hỗ trợ cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, cùng với việc thí điểm thành công DVMTR đối với cơ sở sản xuất công nghiệp tại 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục mở rộng trên cả nước./.