Tham dự Hội nghị có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm 14 tỉnh khu vực II (01 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, 05 tỉnh Đồng bằng sông Hồng, 06 tỉnh Bắc Trung bộ và 02 tỉnh Nam Trung bộ). Đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng.
14 tỉnh cùng II có xấp xỉ 5 triệu ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp. Đến năm 2015, diện tích có rừng là 3,98 triệu ha, độ che phủ rừng đạt 49,53%. Theo đánh giá tại Hội nghị, trong 10 tháng đầu năm 2016, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các tỉnh Vùng II đã quyết liêt, chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tình hình vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng đã giảm 5,23% (tương đương 243 vụ) so với cùng kỳ năm 2015, trong đó các hành vi vi phạm về chế biến gỗ và lâm sản; mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; vi phạm các quy định về quản lý động thực vật hoang dã giảm mạnh. Công tác pháp chế được thực hiện nghiêm minh, ý thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp và người dân trong công tác bảo vệ rừng từng bước được nâng cao.
Hầu hết các chỉ tiêu bảo vệ và phát triển rừng đều đạt hoặc vượt kế hoạch: đến ngày 27/11/2016 toàn vùng đã chuẩn bị được gần 142,9 triệu cây giống các loại, bằng 93,6% so với cùng kỳ năm 2015; trồng rừng tập trung 67.518 ha, đạt 104,8% kế hoạch năm, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó trồng 60.739 ha rừng sản xuất, đạt 114,35 kế hoạch năm, bằng 111,9% so với cùng kỳ năm 2015; trồng 15,2 triệu cây phân tán, đạt 144 % kế hoạch năm, bằng 119,8% so với cùng kỳ năm 2015. Diện tích rừng có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc lô cây con chiếm tỷ lệ 96,0%. Đã chọn được hơn 100 cây trội của các loài cây trồng rừng ngập mặn cho các tỉnh ven biển; 200 loài cây trội của các loài keo và bạch đàn trong vùng II; chuyển giao trên 300.000 cây giống gốc cho các cơ sở sản xuất, cung ứng cho thị trường trên 12 triệu cây giống thương phẩm cho trồng rừng,… Chuyển hoá gần 40 nghìn ha rừng trồng sang mục đích kinh doanh gỗ lớn, tập trung ở các tỉnh: Quảng Trị, Thanh Hoá, Nghệ An. Trồng gần 26 nghìn ha rừng trồng kinh doanh gỗ lớn, tập trung tại Thanh Hoá, Nghệ An. Nhiều mô hình bảo vệ rừng và phát triển rừng có hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm, sản xuất lâm nghiệp theo hướng chuyên canh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng và phụ thuộc vào rừng. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung toàn vùng đạt 3,82 triệu m3, chiếm 26% sản lượng khai thác gỗ rừng trồng toàn quốc; khai thác 7.547 m3 trong đó có 2.047 m3 khai thác tận dụng.
Công tác trồng rừng thay thế, sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp, triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng,… được các địa phương quan tâm. Việc phối hợp giữa các lực lượng quân đội, công an, kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như kết quả trồng rừng thay thế, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng của một số địa phương còn thấp; công tác quản lý, bảo vệ rừng một số nơi vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực. Tình trạng phá rừng chiếm đất, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, hành vi chống người thi hành công vụ còn gay gắt, đặc biệt là khu vực biên giới, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, những khu vực còn nhiều tài nguyên rừng chưa được ngăn chặn triệt để; còn xuất hiện một số điểm nóng trong chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật trên địa bàn như: tại Nam Giang tỉnh Quảng Nam, huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị... Việc triển khai các chủ trương, chính sách chậm và chưa quyết liệt, nhất là chủ trương xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng thống nhất thực hiện 08 giải pháp trong năm 2017 để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu Lâm nghiệp; triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020: Bảo vệ và phát triển bền vững đối với 100% diện tích rừng hiện có, tăng độ che phủ rừng khu vực lên khoảng 52-52,5%; giảm tối thiểu 10% số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2016; trồng rừng tập trung: 60.000 ha, trong đó, ưu tiên tập trung tại các tỉnh ven biển./.