Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng ở huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên từng bước được nâng lên. Đặc biệt, chính sách này đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Những năm gần đây, nhận thức của người dân huyện Mường Chà về công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng được nâng lên rõ rệt, không còn tình trạng chặt phá, lấn chiếm rừng làm nương rẫy, Rừng đã có chủ, người dân được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và độ che phủ rừng tăng nhanh qua mỗi năm.
Trước đây công tác bảo vệ rừng ở huyện Mường Chà còn gặp nhiều khó khăn, nhưng từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, người dân ngày càng tham gia nhiều vào công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tăng thu nhập cho người dân, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của người dân. Đến nay, huyện Mường Chà có tổng diện tích rừng được cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên 47 nghìn ha, diện tích đất có rừng được giao đến các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình, UBND xã, thị trấn. Ðồng thời toàn bộ diện tích rừng đã giao trên địa bàn huyện đều được hưởng chính sách chi trả DVMTR.
Người Mông Mường Chà chăm sóc rừng
Ông Lường Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mường Chà, cho biết: Trong năm qua, Hạt Kiểm lâm Mường Chà đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng trên địa bàn với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng. Nhờ chính sách chi trả DVMTR mà đồng bào các dân tộc thiểu số có nguồn lực cải thiện, nâng cao đời sống, phát triển sinh kế. Cũng vì vậy, người dân ý thức rõ hơn về quyền lợi gắn với trách nhiệm của mình trong việc quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quản lý, bảo vệ rừng, hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm vào rừng, lực lượng kiểm lâm tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng đến các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân, cộng đồng, thôn bản.
Thời gian qua, chính sách chi trả DVMTR đã mang lại nhiều lợi ích, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân huyện Mường Chà, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của người dân.
Là một trong những hộ là người dân tộc thiểu số nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng, ông Hầu A Lềnh, người dân tộc Mông, bản Háng Lìa, xã Sa Lông, huyện Mường Chà, cho biết: Gia đình mình trước đây hay có thói quen phát rừng làm nương. kể từ khi có chính sách chỉ trả DVMTR gia đình nhà mình không cho phép con, cháu phát rừng làm nương nữa. Mà trông coi bảo vệ rừng tốt hơn.
Không riêng gì hộ ông Lềnh, bản Háng Lìa, xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên được UBND huyện giao toàn bộ diện tích hơn 400ha rừng cho cộng đồng thôn, bản xã Sa Lông quản lý và người dân được hưởng tiền từ chính sách chi trả DVMTR. Chính bởi vậy mà người dân đã có ý thức, trách nhiệm hơn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, gắn bó với rừng, bởi rừng đã cho họ nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống. Người dân bàn Háng Lìa cũng thành lập tổ bảo vệ rừng, hàng tuần tổ bảo vệ rừng của bản thường xuyên phân công nhau tuần tra bảo vệ rừng. Diện tích rừng của bản được bảo vệ ngày càng phát triển. Không chỉ thực hiện tốt việc bảo vệ rừng, người dân nơi đây cũng tích cực phát triển rừng bằng việc trồng và khoanh nuôi tái sinh, nhằm tăng diện tích, nâng cao độ che phủ rừng ở địa phương.
Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, từng bước thay đổi nhận thức của người dân về vai trò và tác dụng của rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sống.