Giao khoán, quản lý bảo vệ rừng cho người dân thuộc khu vực vùng đệm là một trong những giải pháp đã và đang được các địa phương ở Gia Lai triển khai nhằm ngăn chặn tình trạng xâm hại đến rừng. Thực tế cho thấy, rừng là tài sản chung nhưng khi được giao khoán thì người dân đã trông coi, chăm chút giống như tài sản của chính mình, nhờ vậy giúp cho rừng có cơ hội được phục hồi, phát triển.
Câu chuyện cộng đồng người Bahnar giữ rừng được chúng tôi ghi nhận tại xã Kon Pne, huyện Kbang..!
Với anh Đinh Ủi - Bí thư Chi bộ làng Kon Ktonh, việc hơn 100 hộ dân của làng cùng tham gia nhận 1.100 ha rừng để quản lý, bảo vệ là một quyết định rất đúng đắn. Bởi vì hiện nay rừng đã giúp cho mỗi gia đình thu về hơn 10 triệu đồng mỗi năm từ nguồn chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Cộng đồng Bahnar nơi đây cũng ý thức rất rõ: quyền lợi phải gắn liền với trách nhiệm, dù nắng hay mưa, những bước chân của bà con nhận khoán vẫn in dấu khắp các lối đi trong rừng, không cho kẻ xấu xâm hại đến rừng.
Anh Đinh Ủi, Bí thư Chi bộ làng Kon Ktonh, xã Kon Pne, huyện Kbang cho biết: “Chúng tôi chia làm 2 dạng là tuần tra định kỳ và tuần tra đột xuất. Đình kỳ là 1 tuần, 2 lần, còn đột xuất là bất kể khi nào nhận thấy dễ xảy ra xâm phạm đến rừng là phân công người đi. Như lợi dụng trời mưa, người ta cưa cây; hay nay mùa cao điểm mùa đốt rẫy nên phải đi đột xuất thường xuyên để cảnh báo người dân nơi nào là rừng cấm”.
Mô hình giữ rừng theo cộng đồng đã triển đến tất cả các làng của xã Kon Pne, được thành lập trên nguyên tắc, mỗi gia đình cử một người tham gia vào nhóm; mỗi nhóm có từ 15-20 người thực hiện tuần tra, bảo vệ. Việc tuần tra có thể độc lập hoặc phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, Ban Chỉ huy Quân sự, Công an và các đoàn thể của xã.
Sau mỗi đợt lội rừng, các nhóm hộ sẽ báo cáo với chính quyền, ngành kiểm lâm và người uy tín trong làng để biết tình hình chung những cánh rừng cộng đồng đang quản lý. Tại đây, mọi vướng mắc liên quan đến công tác giữ rừng đều được bàn bạc, giải quyết một cách thấu đáo; những cá nhân vi phạm, tắc trách cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Ông Dương Quốc Điệp, Chủ tịch UBND xã Kon Pne huyện Kbang cho biết: “Những năm qua, việc nhận khoán bảo vệ rừng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân các làng đồng bào Bahnar. Do vậy, xã đã thành lập và kiện toàn Tổ quản lý bảo vệ rừng của xã, phân công từng thành viên phụ trách, hỗ trợ người dân ở các làng triển khai thực hiện; thành lập tổ giám sát cộng đồng về công tác quản lý bảo vệ rừng ở khu việc giáp ranh; khu vực trọng điểm rồi đến việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Nhờ làm tốt công tác đó, những năm qua trên địa bàn không có sự vụ phá rừng nào xảy ra”.
Sau nhiều cuộc họp làng, cộng đồng các làng của xã Kon Pne đã thống nhất, hàng năm, khi chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho những người tham gia nhận khoán sẽ trích lại từ 10 đến 30 triệu đồng để gây quỹ, cho hộ nghèo vay mua gà, lợn, bò sinh sản để nuôi, từ đó tạo sinh kế bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong làng.
Anh ông Đinh A Phir, Trưởng thôn làng Kon Hleng, xã Kon Pne huyện Kbang nói: “Từ khi có được số tiền nhận khoán thì nhiều nhà đã mua được gà, mua heo để nuôi, từ đó thu nhập có tiền nhiều hơn trước, cuộc sống đỡ vất vả hơn, bà con cũng rất mừng, phấn khởi”.
Bằng việc giao rừng tại cội cho từng nhóm hộ bảo vệ chăm sóc, gắn trực tiếp với kinh phí được chi trả từ dịch vụ môi trường rừng, đã giúp những cánh rừng nơi đây vẫn giữ được màu xanh nguyên sinh quý giá mà nhiều địa phương đã không còn giữ được.
Phải nói rằng: Trong khi công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều phức tạp, không ít nơi để xảy ra các vụ phá rừng thì câu chuyện “giữ rừng” của đồng bào Bahnar ở xã vùng sâu Kon Pne được xem như một điểm sáng để chúng ta học tập kinh nghiệm, nhân rộng.