Nhà văn hóa bản Háng Trợ, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông được xây dựng năm 2017 với tổng kinh phí 200 triệu đồng từ tiền DVMTR
Nhờ chính sách chi trả DVMTR mà cuộc sống của người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng đã có nhiều thay đổi, đời sống được nâng lên. Cũng nhờ tạo lập được nguồn kinh phí ổn định, chính sách chi trả DVMTR đã giúp các chủ rừng bảo vệ rừng, yên tâm gắn bó với rừng, chính sách này còn giúp các cộng đồng, các chủ rừng có thêm nguồn kinh phí để xây dựng các công trình phúc lợi.
Trong những năm qua, nhờ chính sách chi trả DVMTR mà công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng lên, người dân có thêm thu nhập. Nhiều mô hình phát triển sinh kế, quản lý bảo vệ rừng được hình thành và hoạt động hiệu quả. Chính sách chi trả DVMTR không chỉ tạo cơ hội gắn kết giữa các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng cư dân thôn bản với chính quyền và tổ chức nhà nước về lâm nghiệp, các đơn vị sử dụng DVMTR mà còn góp phần nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng và cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân đang thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên bà Đặng Thị Thu Hiền cho biết: Những năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR mang lại hiệu quả tích cực, huy động được nguồn lực đáng kể cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân sống gắn bó với rừng.
Đường lên khu sản xuất bản Háng Trợ được người dân mở từ tiền DVMTR với chiều dài 2km
Được hưởng lợi từ tiền chi trả DVMTR, cuộc sống của người dân sống bằng nghề rừng ngày càng được cải thiện. Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, không ít cộng đồng thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình phát triển sinh kế, xây dựng các công trình phúc lợi góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình trong cộng đồng thôn, bản, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Hiện nay, các chủ rừng là cộng đồng thôn, bản trên địa bàn tỉnh Điện Biên chủ yếu dùng tiền chi trả DVMTR để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống và xây dựng các công trình phúc lợi chung của cộng đồng như: Xây dựng nhà văn hóa, mua bàn ghế, loa đài cho nhà văn hóa tại Bản Pu Nhi A, B, Háng Trợ A, B, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông; bản Mường Pồn 1, Mường Pồn 2, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên; mua vật liệu để làm đường nông thôn mới, đường đi vào khu sản xuất của cộng đồng: Bản Tỏa Tỉnh, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo; bản Mường Pồn 1, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên; mua vật nuôi để cho các hộ nghèo trong bản tăng gia, sản xuất: Bản Hỏm, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Những con đường thôn bản được bê tông hóa nhờ tiền DVMTR
Từ những công trình phúc lợi đã được xây dựng đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới phục vụ lợi ích của người dân. Có thể thấy, từ nguồn thu chi trả DVMTR rừng đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định đời sống của người dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.