Sáng nay (3/12) tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức “Hội thảo quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng ở Việt Nam”. Nội dung chính được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội thảo là đẩy nhanh việc triển khai, cấp chứng chỉ rừng quản lý rừng bền vững, có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ, nhóm chủ rừng trồng rừng sản xuất đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu.
Mặc dù Việt Nam đã tiếp cận quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng theo thông lệ quốc tế từ khá sớm, tuy nhiên việc triển khai cấp chứng chỉ rừng bền vững còn chậm, chưa có nhiều lựa chọn về hệ thống cấp chứng chỉ rừng cho các chủ rừng.
Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến nay mới chỉ có 170.000 ha rừng, chiếm 2% tổng diện tích rừng sản xuất, trong khi mục tiêu đặt ra tới năm 2020 phải có 30% diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng. Điều này sẽ là rào cản cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ…
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nêu ý kiến: Nguyên liệu gỗ và lâm sản theo Chứng chỉ rừng bền vững ở Việt Nam hiện nay còn hạn chế, các doanh nghiệp phải đầu tư chi phí rất lớn để có nguồn nguyên liệu xuất khẩu trong tương lai.
Trong khi đó, gỗ nhập khẩu làm nguyên liệu yêu cầu phải có các loại chứng chỉ quản lý rừng bền vững mà quốc tế công nhận, tuy nhiên không phải quốc gia hay công ty quốc tế nào cũng có chứng chỉ này vì vậy doanh nghiệp tốn rất nhiều công sức để tìm kiếm nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, giá mua gỗ có chứng chỉ thì giá cao hơn rất nhiều.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng không chỉ nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu lâm sản về nguồn gốc, xuất xứ gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp mà còn là việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014-2020, đáp ứng Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đảm bảo nâng cao giá trị gia tăng, cải thiện đời sống, lợi ích của người trồng và làm nghề rừng.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, trong giai đoạn trước mắt, một mặt chúng ta vừa xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chứng nhận quản lý rừng bền vững theo đúng quy định mà pháp luật Việt Nam quy định, đồng thời vẫn tiếp tục hợp tác với các tổ chức cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững của quốc tế.
“Mục tiêu đến năm 2020 diện tích rừng trồng và một phần diện tích rừng tự nhiên, rừng sản xuất phải cơ bản được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Như thế mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường và phục vụ nguyên liệu để xuất khẩu vừa nâng cao được giá trị. Quan trọng nhất ở đây là khi đã có tiêu chí, phương án thì phải hướng dẫn, giám sát để thực hiện theo đúng tiêu chí mà chúng ta đã đề ra thì như thế mới quản lý rừng bền vững”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn chỉ rõ./.