Theo chân đội xung kích tuần tra rừng bản Nà Tăm 3 và tận mắt chứng kiến những cánh rừng xanh tốt cùng tán lá xum xuê, thực bì được phát quang gọn gàng, chúng tôi thấy rõ hơn sự chăm sóc, bảo vệ rừng của bà con nơi đây.
Anh Lù A Chang – Trưởng bản Nà Tăm 3 cho biết: “Trước đây, những cánh rừng của bản thường hay bị cháy, nhiều người dân còn tự ý khai thác rừng, mặc dù chúng tôi thường xuyên tuyên tuyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng nhưng kết quả đạt không cao. Các hộ đều cho rằng bảo vệ rừng vừa mất thời gian lại không có thu nhập. Vì thế, những cánh rừng của bản ngày càng bị cạn kiệt. Từ khi hính sách chi trả DVMTR đến với người dân giống như luồng gió mới, tạo động lực cho người dân gắn bó với rừng hơn. Trước kia bà con làm nương rẫy, mất nhiều công sức nhưng năng suất lại không cao. Nay với 164ha rừng, bà con trong bản phát dọn cỏ, đi tuần tra hàng tháng, mỗi hộ được nhận 4 triệu đồng/năm nên không còn ai phá rừng làm nương rẫy nữa”.
Giống như bản Nà Tăm 3, Nhân dân bản Nà Tăm 2 cũng tích cực bảo vệ và chăm sóc rừng. Với 278,2ha rừng, mỗi năm bản nhận 100 – 110 triệu đồng tiền chi trả DVMTR. Đây là khoản tiền khá lớn đối với bà con Nhân dân trong bản. Vì thế, 100% các hộ dân trong bản ký cam kết bảo vệ rừng. Đều Hàng tháng, tổ xung kích khoảng trên 10 người đi tuần tra rừng, phát dọn cỏ dại, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi gây hại đến rừng. Nhờ đó, diện tích rừng được bảo vệ nghiêm ngặt.
Khi được hỏi về khoản thu nhập từ chính sách chi trả DVMTR, anh Tao Văn Thùm ở bản Nà Tăm 2 vui vẻ nói: “Mỗi năm, gia đình mình nhận từ 2 – 3 triệu đồng từ tiền công chăm sóc, bảo vệ rừng. Số tiền đó, gia đình đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo thêm thu nhập”. Khi nhận khoán bảo vệ rừng, gia đình anh Thùm xem những diện tích rừng nhận khoán như tài sản của gia đình mình, chủ động tuần tra, bảo vệ, nhất là công tác phòng cháy chữa cháy vào mùa khô hanh để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm phạm trái phép hoặc gây hại đến rừng.
Hiện nay, tất cả các bản ở xã Nậm Tăm đều có hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Trong đó, quy định, nếu cá nhân nào vi phạm đều bị xử phạt tiền (tùy theo mức độ).
Để người dân Nậm Tăm ngày càng nâng cao trách nhiệm giữ rừng, Xã phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Nậm Mạ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến bà con Nhân dân để bà con hiểu thêm về chính sách chi trả DVMTR. Tổ chức hội nghị tuyên truyền cấp xã cho hàng trăm các hộ dân, xây dựng nhiều biển tuyên truyền khu vực chi trả DVMTR ở các khu rừng trọng yếu; phát tờ tranh tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tới các bản, đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của các hộ trong việc tuần tra để kịp thời phát hiện và ngăn chặn mọi hành vi gây hại đến rừng.
Xã cũng bầu ra 14 tổ xung kích bảo vệ rừng, tổ trưởng tổ xung kích có trách nhiệm bảo vệ, quản lý diện tích rừng của bản, không cho phép khai thác rừng bừa bãi. Đồng thời, các tổ xung kích còn hướng dẫn bà con kỹ thuật sản xuất nương rẫy gắn với PCCR. Khi các hộ muốn đốt nương, làm rẫy thì phải báo với Tổ trưởng tổ xung kích bảo vệ rừng và ký cam kết không để cháy rừng, nhờ đó, nhiều năm nay, Nậm Tăm không có vụ cháy rừng nào xảy ra.
Có thể khẳng định hiệu quả của việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR một mặt giúp bà con Nhân dân xã Nậm Tăm có thêm thu nhập; mặt khác góp phần tích cực vào bảo vệ, giữ gìn cho những cánh rừng mãi xanh.