Hiện nay trên cả nước có khoảng 500.000 hộ gia đình được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, tuy nhiên việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các hộ gia đình, đại diện nhóm hộ, thôn, bản chủ yếu vẫn thông qua hình thức chi trả trực tiếp bằng tiền mặt..
Chi trả tiền DVMTR cho người dân ở Hà Giang - Ảnh: Quỹ BV&PTR tỉnh Hà Giang
Việc chi trả bằng tiền mặt đang hiện hữu rất nhiều những vấn đề bất cập đó là: Tính rủi ro trong quá trình vận chuyển tiền qua hàng chục cây số trên các đoạn đường đồi núi, hoang vắng; Chi phí chi trả cao, do số lượng người trực tiếp tham gia chi trả đông, thời gian chi trả kéo dài, phải huy động các phương tiện vận chuyển và lực lượng chức năng bảo vệ; Dễ gây thất thoát trong quá trình chi trả qua các khâu trung gian, tính minh bạch chưa cao; Thủ tục chi trả, xác nhận rườm rà, nhiều giấy tờ phức tạp; Công tác kiểm tra, giám sát khó khăn, mất nhiều thời gian, mất nhiều nguồn lực...
Tuy nhiên, việc chi trả thông qua chuyển khoản đối với những các hộ gia đình, đại diện nhóm hộ, thôn, bản cũng gặp phải không ít những vấn đề khó khăn, bất cập do thói quen dùng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của đại đa số người dân nói chung, chưa kể đến người dân miền núi, nơi còn nhiều nghèo nàn lạc hậu, trình độ học vấn còn rất hạn chế, thậm chí nhiều người còn chưa biết chữ. Hơn nữa, các ngân hàng phục vụ tại nhiều nơi còn cách xa các bản làng hàng chục km, đường xá đi lại rất khó khăn cũng là một trong những rào cản đối với việc thanh toán bằng chuyển khoản.
Mặt khác, tuy tổng số tiền chi trả DVMTR trên cả nước là rất lớn, hàng năm lên tới vài ngàn tỷ đồng, nhưng thực tế cho thấy rằng có những hộ gia đình chỉ nhận được số tiền vài chục ngàn đồng một năm cho việc bảo vệ một ha rừng, như tại lưu vực sông Mã tỉnh Điện Biên, sông Bằng Giang tỉnh Cao Bằng ... Việc đi đường rừng hàng chục km để rút một khoản tiền quá ít ỏi cũng là một trong những vấn đề khiến các nhà quản lý cần phải suy ngẫm?
Khó khăn là có hạn còn trí tuệ, sức mạnh con người là vô hạn.Nếu các Quỹ BV&PTR tỉnh trên cả nước quyết tâm cao cùng các ngân hàng đồng tâm hiệp lực, cùng bàn bạc để tìm ra phương thức tối ưu trong việc chi trả để các bên cùng có lợi, đặc biệt là đảm bảo lợi ích cho những người tham gia bảo vệ rừng thì việc chi trả thông qua hệ thống tài khoản tiền gửi không phải là một bức tranh quá xa rời thực tiễn.
Thực tế đã cho thấy, gần chục dự án trồng rừng của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) ngay từ những năm 1998 đến nay đã sử dụng rất hiệu quả hệ thống ngân hàng để chi trả tiền công trồng và chăm sóc rừng cho các hộ gia đình tham gia trồng rừng trong vùng dự án. Trong hệ thống Quỹ BV&PTR, hiện đã có những Quỹ tiên phong đi đầu trong việc chi trả tiền DVMTR qua hệ thống ngân hàng như Quỹ BV&PTR tỉnh Thừa Thiên Huế, tính hiệu quả của việc chi trả bằng chuyển khoản cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư ở tỉnh này trong những năm qua đã được khẳng định một cách rõ nét.
Cuộc cách mạng 4.0 đã và đang như một cơn bão công nghệ, sức mạnh của nó đã và đang tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội trên toàn thế giới, Việt Nam là nơi cũng không thể loại trừ.Nhận thức được tầm quan trong này, những năm gần đây, Quỹ Trung ương và một số Quỹ địa phương đã và đang không ngừng nỗ lực, không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình triển khai thực hiện chính sách như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, xây dựng bản đồ chi trả, ứng dụng công nghệ JPS, công nghệ viễn thám trong việc xác diện tích rừng để chi trả, trong việc kiểm tra, giám sát và lập báo cáo.
Hệ thống Quỹ BV&PTR ở Việt Nam hiện nay có đủ nguồn lực cả về con người và tài chính. Việc thanh toán tiền DVMTR bằng chuyển khoản, với tính ưu Việt của nó đã và đang được các cấp, các ngành và nhà tài trợ nước ngoài quan tâm ủng hộ. Hơn ai hết, các Quỹ không thể cứ ngồi chờ đợi một phép màu mà cần phải tư duy và hành động cụ thể trong những năm tới. Chúng ta sẽ làm từng bước, sẽ lựa chọn các ngân hàng có sẵn hệ thống chi nhánh tới huyện, xã, lựa chọn các ngân hàng có tính rủi ro thấp. Tiến hành thương thảo, đàm phán để đưa ra những phương án chi trả thông qua hệ thống tiền gửi một cách tối ưu nhất có thể. Để thận trọng và chắc chắn, chúng ta có thể làm thí điểm từng thôn, xã, từng tỉnh sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng trong toàn hệ thống Quỹ trên cả nước.
Nếu quyết tâm, nhất định chúng ta sẽ thành công!
Và, chi trả tiền DVMTR không dùng tiền mặt, không dễ nhưng không phải là không thể!