Ngày 28/7, Sở NN&PTNT tỉnh đã phối hợp với Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm tổ chức hoạt động Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015.
Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.
Đến nay, qua 5 năm triển khai chính sách DVMTR theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Trong đó, đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát diện tích rừng, đối tượng cung ứng DVMTR; xây dựng các Đề án chi trả trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Cùng với đó, việc triển khai chính sách chi trả DVMTR cũng đã huy động được nguồn lực của xã hội hỗ trợ cho công tác Bảo vệ rừng, khuyến khích người dân tích cực tham gia và nâng cao vai trò trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Đồng thời, tác động, làm thay đổi tư duy, các nghĩ của các đối tượng cung ứng, sử dụng DVMTR và các cấp chính quyền cơ sở về giá trị của môi trường rừng, từng bước giảm bớt gánh nặng đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Trong 5 năm qua, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã thu tiền DVMTR được tổng số triền trên 53,7 tỷ đồng.
Trong đó, Quỹ tỉnh nhận tiền uỷ thác từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt 49,5 tỷ đồng, thu DVMTR trong tỉnh được trên 3 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã giải ngân, thanh toán cho trên 80 nghìn hộ là chủ rừng tại 3 lưu vực (thuỷ điện Hoà Bình, lưu vực thuỷ điện Bá Thước II và lưu vực thuỷ điện Suối Nhạp A) và chi phí hoạt động của Ban điều hành Quỹ cùng kinh phí hỗ trợ hoạt động cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Đà với tổng số tiền gần 46 tỷ đồng. Tổng diện tích quản lý, bảo vệ rừng được chi trả DVMTR trong 5 năm là 280.464 lượt ha (bình quân 80.178 ha/năm), chiếm khoảng 1/3 diện tích rừng toàn tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biếu cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, vướng mắc. Đặc biệt là khó khăn trong công tác thu nợ đọng phí DVMTR. Nhất là đối với các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Theo thống kê, tính đến ngày 20/7/2016, tổng số tiền còn nợ đọng của các đơn vị sử dụng DVMTR trên địa bàn tỉnh còn khoảng 1,6 tỷ đồng.
Phát biểu, tại hội nghị đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã cho rằng: Qua 5 năm triển khai chính sách chi trả DVMTR tại địa phương tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng đã có tác động mạnh mẽ đến ý thức trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của người dân.
Việc chi trả DVMTR hàng năm, cũng đã góp phần gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Tuy vậy, cũng cần phải tập trung chỉ đạo và xử lý nghiêm các đơn vị sử dụng DVMTR còn nợ đọng, chưa nộp hoặc chậm nộp phí DVMTR hàng năm theo quy định.
Cùng với đó, các ngành, các cấp, các địa phương cần tiếp tục xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả DVMTR bằng nhiều hình thức để người dân hiểu; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát chất lượng rừng cung ứng DVMTR tại các lưu vực Nhà máy thuỷ điện cũng như kiểm tra, giám sát công tác chi trả tiền DVMTR tại cơ sở đến các chủ rừng đảm bảo thời gian, chính xác theo quy định không để xảy ra tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện...