Từ khi thành lập đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh Bình Thuận triển khai chính sách chi trả DVMTR đã góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người làm nghề rừng.
Theo Quỹ BV&PTR tỉnh Bình Thuận, tính đến đầu năm 2016 toàn tỉnh có hơn 310.841ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 286.998,8 ha, rừng trồng 23.842,5ha.
Số diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) hơn 76.203ha, bao gồm chủ rừng là tổ chức nhà nước 75.723ha và tổ chức không thuộc nhà nước hơn 479ha.
Hiện nay tỉnh đã huy động được nguồn thu từ 3 công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, Trị An và thủy điện Bắc Bình khoảng trên 10 tỉ đồng/năm, chi trả cho các đơn vị chủ rừng thuộc các lưu vực này, tập trung ở các huyện phía Nam của tỉnh như Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình, góp phần quản lý tốt hơn tài nguyên rừng.
Thủy điện Hàm Thuận - Ảnh: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Thuận
Ông Hồ Thiện Đang - giám đốc Quỹ BV&PTR tỉnh Bình Thuận cho biết, tính cuối năm 2015 tổng số hộ dân tham gia nhận khoán là 1.234 hộ với hơn 53.207ha rừng, chiếm khoảng 39,05% tổng diện tích giao khoán toàn tỉnh và số tiền các hộ nhận trung bình 8.620.000 đ/năm.
Việc thực hiện công tác giao khoán bảo vệ rừng trong thời gian qua đã duy trì ổn định diện tích rừng trên các lâm phần được giao khoán, hạn chế nạn chặt phá rừng trái phép. Nhờ đó góp phần nâng cao đời sống, nguồn thu nhập cho người dân làm nghề rừng; đồng thời khuyến khích bảo vệ rừng tốt hơn.
Đi tuần tra rừng - Ảnh: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Thuận
“Từ năm 2011 đến nay việc chi trả tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Nguồn kinh phí phần lớn đã đến được các chủ rừng và hộ nhận khoán, nhờ đó rừng được bảo vệ tốt hơn. Bên cạnh đó người dân trong và gần lưu vực chi trả DVMTR còn có thêm việc làm, cải thiện cuộc sống, hạn chế việc phá rừng đáng kể”, ông Đang chia sẻ.
Tại lưu vực thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi năm 2015 với tổng diện tích rừng chi trả là 45.862ha, trong đó có 966 hộ được giao khoán bảo vệ rừng.
Ông Ngô Công Thanh, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi cho biết, tổng diện tích rừng tự nhiên của đơn vị hiện đưa vào giao khoán bằng nguồn chi trả DVMTR nằm trong lưu vục Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi và lưu vực Trị An hơn 15.880ha với 450 hộ dân, trong đó có 362 hộ là dân tộc thiểu số xã La Dạ, 57 hộ xã Đông Tiến và 31 hộ người Kinh thuộc xã Đa Mi.
Hầu hết những người dân nhận khoán là dân tộc thiểu số sống bằng nghề lâm rẫy, thu hái lâm sản… thu nhập tương đối bấp bênh. Với diện tích giao khoán bình quân 35ha/hộ và định mức chi 200.000đ/ha/năm thì mỗi hộ nhận khoán thu nhập khoảng 580.000đ/tháng. Số tiền chưa thực sự cao nhưng là khoản thu nhập ổn định, góp phần giải quyết phần nào khó khăn trong cuộc sống của đồng bào vùng dân tộc.
Ông Phan Văn Chiến, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Quao cho biết, đơn vị cũng chủ yếu thực hiện chi trả DVMTR thu từ lưu vực thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi và Thủy điện Trị An; đang tiến tới thực hiện chi trả DVMTR của thủy điện Đan Sách.
Diện tích chi trả DVMTR thuộc địa phận xã Đông Giang và xã Đông Tiến. Diện tích này phần lớn đã được giao khoán cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số của 2 xã nói trên thực hiện nhận khoán bảo vệ rừng theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy. Nay chuyển sang chi trả DVMTR, số tiền các hộ nhận được không thay đổi (200.000đ/ha/năm).
Tuy nhiên nguồn kinh phí chi trả từ DVMTR ổn định lâu dài hơn nguồn kinh phí theo Nghị quyết 04 do không bị phụ thuộc vào ngân sách của tỉnh.
Đối với chủ rừng khi thực hiện chi trả DVMTR từ Quỹ tỉnh thì chi phí quản lý cao hơn chi trả theo Nghị quyết 04; ngoài ra còn được quỹ hỗ trợ mua sắm vật dụng, công cụ đi rừng, tập huấn nghiệp vụ…
“Nhờ có thêm kinh phí, lực lượng tham gia bảo vệ rừng rất tốt và người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, từ đó giảm áp lực phá rừng”, ông Chiến chia sẻ.