Hoành Bồ, Quảng Ninh: Phá tan rừng phòng hộ!
04/05/2016
Điều đáng nói là từ khi tỉnh Quảng Ninh yêu cầu huyện Hoành Bồ thanh tra rà soát thì việc chặt phá lại diễn ra công khai, rầm rộ hơn. Theo chân phu rừng, phóng viên Đài TNVN đã ghi lại cảnh hoang phế, tan hoang khu rừng nguyên sinh có một không hai này…
Theo chân người dân ở thôn Đồng Quặng, xã Đồng Lâm, huyện Hoành Bồ, chúng tôi vào vai phu rừng để đến cánh rừng nguyên sinh từ Khe Bùn đến Đèo Thông, thuộc địa bàn thôn Đồng Quặng, xã Đồng Lâm, huyện Hoành bồ quản lý. Việc cải trang đi lại giữa thanh tiên bạch nhật thật kỹ càng. Chúng tôi không lo lực lượng kiểm lâm hay chính quyền sở tại phát hiện, điều mà người dẫn đường cho chúng tôi tiết lộ, sợ nhất là bị các đối tượng chặt phá rừng phát hiện. Có lẽ sự xót xa không chỉ dành riêng cho người dân địa phương yêu rừng.
Ngay khi chúng tôi đặt chân đến tiểu khu 77 A, cảnh tượng vạt rừng nguyên sinh không khác chi trận bom tàn phá. Những gốc cây ngổn ngang. Những thân gỗ sém cháy, đen nhẹm. Những ụ khói chưa kịp tan trong sương sớm như tố cáo thêm tội ác bọn lâm tặc. Tại sao lại phải đốt? Người dẫn đường giải thích, đây là cách che mắt, đối phó với các cơ quan chức năng của bọn lâm tặc. Sau khi đốn hạ cây gỗ, chúng cho phạt hết cành, để héo và châm lửa. Vài ngày sau chúng cưa gỗ chuyển ra ngoài. Nếu bị phát hiện, chúng đổ cho dân phá rừng làm nương. Ác là thế đấy, việc phá rừng đã diễn ra hàng năm trời vậy mà chúng chẳng có tội gì.
Người dẫn đường tiết lộ: “Đốt đi ngụy trang làm củi, bởi vì nếu gỗ to thì cũng phải đen đen thì mới là củi được nhưng mà nó chỉ ngụy trang thế thôi đa số là cho vào xưởng hết. Tức là cái gỗ to thì người ta cho vào xưởng cắt đóng đồ, gỗ vừa vừa thì làm chống lò, gỗ nhỏ nhỏ thì người ta làm củi. Vân chuyển thì chủ yếu khoảng 2 giờ đêm, đến 3 giờ . Mình nằm ngủ thì thấy tiếng xe chạy ra, cứ đêm là có xe ra”.
Trước những lá đơn tố cáo của người dân, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra tỉnh và UBND huyện Hoành Bồ kiểm tra làm rõ sự việc. Lạ kỳ thay, kể từ khi có văn bản yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Ninh, thì hoạt động chặt phá rừng lại càng trở lên ồ ạt hơn. Theo phản ánh của những người dân địa phương, hiện nay hoạt động chặt phá rừng vẫn diễn ra hàng ngày như chưa từng bị thanh kiểm tra. Diện tích rừng còn lại của hơn 400 ha thuộc tiểu khu 77A chỉ còn không quá 1/4.
Ông Triệu Đức Linh, 70 tuổi, người đã gắn bó cả đời dưới những tán rừng ở đây cho biết: “Dân thấy thiệt hại nên đã thông tin cho các cấp có thẩm quyền để xử lý nhưng cuối cùng không ai xử lý. Thế là sau nhiều người phát, trong đó điển hình nhất là hộ nhà ông Lý Tài Thành phát đến đâu thì mở đường đến đấy, khai thác gỗ rừng tự nhiên, vận chuyển về rất dễ dàng, trong khi chính quyền không xử lý gì cả. Nhân dân chúng tôi rất bức xúc”.
Người dân có thể chỉ mặt, điểm tên từng tên lâm tặc, vậy mà cả chính quyền sở tại, lực lượng kiểm lâm vẫn trơn tru báo cáo UBND tỉnh không thể xác minh đối tượng phá rừng ?!. Qua nhiều ngày lăn lộn trong rừng, chúng tôi có thể nắm bắt được quy trình phá tan rừng như sau: Các đối tượng cầm đầu thường thuê lao động là người dân địa phương hoặc từ Bắc Giang, Lạng Sơn và chia theo nhóm. Mỗi nhóm khoảng hơn 10 người làm các công đoạn khác nhau, và thời gian khác nhau, nên hầu hết các lao động ở đây không thể biết được rõ ràng gỗ ở đây bị chặt thế nào, nhiệm vụ của nhóm mình sẽ làm gì ngày hôm nay.
Các cây gỗ sẽ được chặt hạ từ trước khoảng vài tuần, để khô lá và được đốt để trông giống như việc đốt rừng làm nương. Sau đó nhóm lao động địa phương có nhiệm vụ phát cành. Việc cắt khúc và vận chuyện được giao cho một nhóm khác. Chính vì vậy, khi lực lượng chức năng phát hiện kiểm tra thì chỉ phát hiện các cây đã bị chặt hạ và đã bị đốt hết lá nên rất khó để phân biệt là cây mới chặt hay đã bị chặt lâu ngày.
Việc vận chuyển, chế biến gỗ và qua mặt lực lượng chức năng cũng được tổ chức hết sức bài bản. Gỗ sau khi được cắt khúc, sẽ được các xe tải lớn vận chuyển tập kết tại nhiều vị trí cách xa khu vực rừng vừa bị phá. Đêm đến, là thời điểm vận chuyển ra các xưởng gỗ nằm bên trong vòng kiểm soát của trạm kiểm lâm Đồng Lâm để xẻ thành phẩm, và chuyển đi tiêu thụ.
Trạm kiểm lâm xã Đồng Lâm nằm trên con đường chính cách UBND xã Đồng Lâm khoảng hơn 1km. Ngay sát trụ sở UBND xã Đồng Lâm, từ nhiều năm nay đã tồn tại một xưởng chế biến gỗ “khủng” với hơn 20 nhân công. Theo lời quảng cáo của những lao động tại xưởng gỗ này thì ở đây gỗ gì cũng có như: Lim, lát, dổi…
Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, vào những ngày trời tạnh ráo cứ khoảng từ 12 giờ đêm đến gần sáng, rất nhiều xe tải lớn chở gỗ vận chuyển gỗ vào xưởng và gỗ này được chế biến xẻ thành miếng ngay lập tức. Và nhiều xe chở gỗ đã xẻ dễ dàng qua trạm kiểm lâm Đồng Lâm mà không hề có việc kiểm tra. Được biết chủ của xưởng gỗ này lại chính là ông trưởng thôn Đồng Quặng.
Một xưởng gỗ lớn là nơi để các đối tượng “lâm tặc” hô biến gỗ trái phép, thành gỗ hợp pháp lại nằm ngay cạnh UBND xã, đã ngang nhiên hoạt động nhiều năm nay?! Hàng trăm khối từ rừng nguyên sinh vận chuyển ra ngoài đều đi qua con đường độc đạo nhưng vẫn dễ dàng qua mặt trạm kiểm lâm cùng chính quyền sở tại? Vậy phải chăng có sự cấu kết giữa cán bộ xã cùng lực lượng lâm tặc này? Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện ra điều gì thông qua đợt kiểm tra vào đầu năm 2016?
Nguồn: thiennhien.net