5 năm qua thực hiện chi trả môi trường rừng (DVMTR) ở huyện Mường Tè đã góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Số vụ cháy rừng giảm rõ rệt; rừng không chỉ điều hòa khí hậu mà còn giữ và cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện cũng như sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Huyện Mường Tè có diện tích đất lâm nghiệp 257.930,1ha, chiếm 96,2% diện tích tự nhiên của huyện. Diện tích đất có rừng hiện nay 167.704,9ha, trong đó rừng đặc dụng 21.207,9ha, phòng hộ 75.917,1ha, rừng sản suất 70.579,7ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 62,6%.
Xác định công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái, điều tiết nguồn nước cho các công trình thuỷ điện trọng điểm của quốc gia như: Thuỷ điện Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình và điều tiết nước cho sản xuất của đồng bằng sông Hồng vì vậy huyện rất chú trọng đến công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Tống Thanh Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Để thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn, huyện đã tổ chức 68 Hội nghị tuyên truyền cấp xã về Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Nghị định số 99/NĐ-CP, các văn bản của Trung ương, của tỉnh đến cán bộ và nhân dân các dân tộc trong toàn huyện cho trên 1.400 lượt người. Tổ chức 412 cuộc họp bản trên 19.000 lượt người tham gia, xây dựng được 88 biển tuyên truyền khu vực chi trả DVMTR ở các khu rừng các xã, thị trấn; phát 8.950 tờ rơi và tranh tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tới các bản của các xã, thị trấn.
Chi trả tiền DVMTR cho đồng bào tại huyện Mường Tè, Lai Châu - Ảnh: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu
Xã Tá Bạ, huyện Mường Tè là một trong những xã có diện tích đất lâm nghiệp lớn trong toàn huyện chiếm 83,68% diện tích đất tự nhiên. Năm 2015, xã đã nhận được 1.260 triệu đồng tiền chi trả DVMTR từ nguồn của thủy điện Hòa Bình, Sơn La và các thủy điện nhỏ. Ông Phùng Xi Che - Bí thư Đảng ủy xã Tá Bạ cho biết: Để thực hiện quản lý, bảo vệ rừng, xã đã thành lập tổ chuyên trách của từng bản, từng dòng họ.
Đồng thời, phát động phong trào “4 tại chỗ” - Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ kết hợp với “4 sẵn sàng” - thông tin sẵn sàng, chỉ huy sẵn sàng, lực lượng sẵn sàng, phương tiện hậu cần sẵn sàng, với phương châm phát hiện lửa từ xa tổ chức cứu chữa kịp thời. Cùng với đó, giao trách nhiệm quản lý đến tận khu rừng, gắn việc phân công cán bộ tăng cường hướng dẫn, vận động việc thực hiện hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng.
Nhờ chính sách của Chính phủ, ý thức trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng của cấp ửy, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện được nâng cao. Chính sách này đã tác động trực tiếp tới công tác bảo vệ và phát triển rừng. Các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện đã ý thức hơn trong việc bảo vệ và phát triển rừng, công tác tuần tra bảo vệ rừng đã được thực hiện, các bản đã xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng của thôn, bản. Nhờ đó, độ che phủ rừng của huyện tăng từ 51,9% năm 2011 lên 62,6% năm 2015.
Cũng nhờ đó, số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy giảm rõ rệt (từ 19 vụ năm 2011 xuống còn 3 vụ năm 2015). Trên địa bàn huyện không có tụ điểm lớn về phá rừng, kinh doanh lâm sản trái pháp luật; Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được thực hiện tốt hơn.
Cũng nhờ chính sách chi trả tiền DVMTR, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ đã sử dụng tiền chi trả DVMTR để tái sản xuất: Mua cây giống, gia súc, đầu tư cho con cái ăn học. Ông Vàng Hà Chừ ở bản Lạ Pê I, xã Tá Bạ cho biêt: Năm 2015, gia đình ông đã nhận được trên 16 triệu đồng tiền chi trả DVMTR. Từ số tiền này, gia đình ông không chỉ có thể mua sắm đồ dùng tiện nghi, trang trải cho sinh hoạt, mua thêm phân bón phục vụ sản xuất mà còn có thêm nguồn dự trữ để nuôi các con ăn học.
Ông Tống Thanh Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho chúng tôi biết thêm, để làm tốt công tác chi trả DVMTR thì công tác tuyên truyền, vận động phải thực hiện thường xuyên liên tục nhất là các bản vùng sâu vùng xa. Việc kê khai, rà soát xác định diện tích ranh giới rừng để khoán bảo vệ cho các chủ hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn bản phải chính xác, đúng đối tượng và có sự tham gia bàn bạc nhất trí của đại bộ phận nhân dân trên địa bàn.
Việc lập danh sách, tiến hành giao khoán ngoài thực địa cho các nhóm hộ, cộng đồng thôn bản phải công khai minh bạch; số tiền chi trả phải rõ ràng, được niêm yết tại bản và trụ sở UBND xã để nhân dân biết tham gia kiểm tra, giám sát. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, phát hiện kịp thời những nảy sinh mâu thuẫn vướng mắc, đề xuất các giải pháp xử lý trên cơ sở có sự đồng thuận cao của đại bộ phận nhân dân...