1. El Niño
El Niño gây ra những đợt hạn hán nghiêm trọng cho khu vực Nam, Đông Nam Á và Tây Amazon, làm gia tăng đáng kể nguy cơ xảy ra những vụ cháy rừng thảm khốc. Hiện tượng El Nino nghiêm trọng như năm ngoái dự kiến vẫn tiếp diễn trong năm nay, các quốc gia như Indonesia, Brazil, Nga và Canada có thể sẽ phải đối mặt với nhiều vụ cháy rừng. Đặc biệt là Indonesia, quốc gia bị thiệt hại nặng do những đám cháy rừng trên đất than bùn vào mùa hè và mùa thu năm ngoái. Có thời điểm lượng khí thải phát ra từ những đám cháy rừng nước này vượt quá cả lượng khí thải hàng ngày của toàn bộ nền kinh tế Mỹ.
2. Giá cả hàng hóa thấp
Giá cả của hầu hết các loại mặt hàng đều đi xuống trong năm 2015, đầu tư vào khai mỏ và năng lượng theo đó cũng giảm. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có dấu hiệu về sự suy giảm đầu tư vào phát triển cây công nghiệp, rừng trồng. Nếu giá dầu cọ, đậu tương và gia súc vẫn thấp, giá đất sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng, nguy cơ phá rừng, chuyển đổi rừng ở vùng ven các khu vực đất nông nghiệp cũng giảm. Ở một số nước, chính phủ có thể sẽ gác lại cả các dự án phát triển hạ tầng và các sáng kiến bảo tồn. Ngân sách cho việc thực thi pháp luật bảo vệ môi trường có thể bị ngắt quãng ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa.
3. Sự chuyển đổi nhu cầu của Trung Quốc
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm giá cả hàng hóa trên toàn cầu. Nếu sự phát triển kinh tế bùng nổ của Trung Quốc kết thúc có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường các mặt hàng xa xỉ có nguyên liệu từ rừng nhiệt đới như gỗ hồng mộc và các loại gỗ có giá trị cao khác. Ngoài ra, công cuộc chống tham nhũng ráo riết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng cam kết đóng cửa thị trường ngà voi sẽ giúp giảm nhu cầu đối với một số sản phẩm từ động vật hoang dã của nước này.
4. Quy định về vùng than bùn của Indonesia
Trước những ảnh hưởng về môi trường và sức khỏe của những đám cháy rừng trên vùng đất than bùn năm ngoái, Tổng thống Indonesia Jokowi đã ban hành một loạt các quy định nhằm bảo vệ và khôi phục các vùng đất than bùn nhằm ngăn chặn các đối tượng lợi dụng thảm họa để thu lợi riêng. Tuy nhiên, những quy định này chưa thành luật và cũng có thể bị thay đổi bởi quốc hội nước này do những quy định này ảnh hưởng lớn tới đồn điền tư nhân.
Một khi các quy định chặt chẽ về rừng than bùn nhiệt đới của Indonesia được thông qua, các công ty lớn có hàng chục ngàn ha cây dầu cọ và keo trồng ở Nam Sumatra và một số khu vực thuộc Kalimantan Indonesia sẽ thiệt hại nhiều mặt. Nếu Indonesia muốn giải quyết rốt ráo vấn đề khói mù và cháy rừng thì nước này phải thay đổi hoàn toàn hình thức trồng khai thác rừng trên vùng đất than bùn hiện tại. Điều này đặc biệt cần áp dụng đối với Papua, tỉnh lớn nhất gần biên giới của quần đảo Indonesia, nơi có hệ sinh thái tương đối nguyên vẹn, đang được các công ty dầu cọ và kinh doanh nông nghiệp để mắt tới.
5. REDD + và các dịch vụ hệ sinh thái khác
Sau khi được chính thức được phê chuẩn tại COP Paris, Chương trình Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) sẽ có những bước tiến mới trong năm 2016. Hầu hết các hoạt động sẽ tập trung vào việc đàm phán các chi tiết của REDD +, bao gồm cả vấn đề tài chính và tiềm năng thị trường cho REDD +. Các dự án bảo tồn lưu trữ carbon dự kiến sẽ nhận được nhiều khoản đầu tư mới.
REDD + cũng sẽ góp phần thúc đẩy đối thoại về các dịch vụ hệ sinh thái rừng khác. Ví dụ vai trò của rừng Amazon trong việc duy trì lượng mưa ở khu vực đô thị Brazil hay vai trò của rừng Sumatra trong việc duy trì chất lượng không khí ở Singapore.
6. Nền kinh tế chênh vênh của Brazil
Nền kinh tế đang suy sụp của Brazil có thể ảnh hưởng theo hướng tích cực và tiêu cực tới rừng. Việc dễ dàng tiếp cận với nguồn tín dụng lãi xuất thấp khuyến khích các nhà đầu tư mở rộng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tác động tiềm tàng đến hệ sinh thái rừng nhiệt đới Cerrado, Mata Alantica và Amazon. Nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả và việc chuyển dịch nhiều sang sản xuất nông nghiệp cũng có thể gây áp lực làm gia tăng những yếu kém của chính sách pháp luật về môi trường.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tín dụng và những bê bối tham nhũng cũng tác động tới các dự án cơ sở hạ tầng của Brazil, đặc biệt là các dự án đập thủy điện vốn đã vấp phải với những phản đối do lo ngại về tác động môi trường và xã hội.
7. Công nhận quyền sử dụng đất cho người bản xứ
Các nhà bảo tồn đang ngày càng bị dao động do có nhiều bằng chứng cho thấy các cộng đồng bản địa làm công tác bảo tồn tốt hơn những người quản lý, đặc biệt khi quyền sử dụng đất truyền thống của họ được công nhận. Tuy nhiên vẫn có nhiều lo ngại rằng nếu quá trình này không được thực hiện theo cách đúng đắn sẽ phản tác dụng, dẫn đến nạn phá rừng nhiều hơn.
8. Cam kết không phá rừng
Việc áp dụng chính sách cam kết không phá rừng đối với nhà sản xuất, cung ứng và người tiêu dùng đã đạt được nhiều kỳ vọng trong hai năm qua. Tuy nhiên, việc thực hiện tốt các cam kết khó khăn hơn nhiều với việc cam kết, vì vậy có rất nhiều cuộc tranh luận xung quanh việc các công ty có đang thực hiện đúng các cam kết giúp ngăn chặn nạn phá rừng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của họ hay không? Sẽ có những nhầm lẫn về các hành vi vi phạm. Các cuộc tranh luận về phương pháp xác định tiêu chí không phá rừng trong chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ còn tiếp tục.
9. Tiến bộ về công nghệ
Các công nghệ chống săn trộm, phá rừng và giám sát rừng khác nhau sẽ tiếp tục phát triển trong năm tới, từ các cảm biến trên mặt đất đến máy bay không người lái để thu thập và phân tích dữ liệu vệ sinh. Giám sát Rừng toàn cầu (Global Forest Watch), một nền tảng bản đồ rừng, sẽ có những cập nhật quan trọng giúp cung cấp cho người dùng những thông tin chi tiết nhất về chất lượng, độ che phủ và “sức khỏe” của rừng.
10. Các khu bảo tồn mới
Năm 2015, Peru và bang Sabah (Malaysia) đã gây xôn xao khi cung cấp thông tin về việc thành lập khu bảo tồn mới nhưng vẫn chưa hoàn thành. Peru đang lên kế hoạch thiết lập một khu dự trữ ở lưu vực sông Yaguas, Sabah đề ra kế hoạch bảo vệ các khu vực còn nhiều rừng loại I.