Chúng tôi đến thôn Dì Thàng, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai), những triền núi xanh mướt cây sa mộc bốn tuổi, cao hơn đầu người lớn, tỏa cành lá khép tán, phủ xanh đất cằn cỗi trên núi cao, độ dốc lớn. Chị Ly Thị Cở, chủ nhân của hơn một ha rừng ở đây cho biết: Trước đây, nơi này là những quả đồi trơ trọc, hoang hóa chỉ có lau lách và cỏ bụi, do bà con người Mông, Dao, Xa Phó… có tập quán phát rừng làm nương, được vài vụ lúa, ngô, khi đất bạc màu, nghèo kiệt thì bỏ hoang hóa.
Gia đình chị có hơn một ha đồi nương, chỉ chuyên trồng ngô lai, do độ dốc lớn, mưa nhiều khiến đất bạc màu dần, năng suất giảm cho nên vợ chồng và con cái phải đi làm thuê mới đủ ăn. Cái vòng luẩn quẩn phát nương làm rẫy, đói nghèo cứ bám chặt, không thoát ra được. Từ năm 2011, được Nhà nước hỗ trợ gạo để trồng rừng, cuộc sống gia đình chị Cở đã đổi khác, không còn lo thiếu ăn, không phải đi làm thuê vất vả.
Chị Cở nhận cây giống sa mộc do Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà cung ứng, cán bộ kỹ thuật của Hạt tận tình hướng dẫn cách trồng và chăm sóc nên tỷ lệ cây sống cao, hơn 90%. Chị Cở cho biết: Điều yên tâm nhất của gia đình là được Nhà nước hỗ trợ gạo trong thời gian trồng rừng, không lo đói, nên sẵn sàng chuyển đổi nương rẫy nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế để phủ xanh đất trống, tạo nguồn thu nhập ổn định, bền vững. Đã bốn năm nay, hằng năm, gia đình chị được nhận gần 700 kg gạo, bảo đảm đủ lương thực cho bốn người dùng trong năm.
Đến thôn Na Măng, xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, chị Ly Sù Dín, phấn khởi cho biết: "Nhà mình có 0,8 ha nương trồng lúa, ngô không có hiệu quả vì thiếu nước, thấy cán bộ kiểm lâm và cán bộ xã đến nhà bảo cho cây giống, hỗ trợ gạo để trồng rừng và mai sau được thu hoạch, mình bàn với vợ con làm theo. Gia đình mình và bà con được cán bộ hướng dẫn và cùng trồng rừng. Bốn năm nay, nhà mình đã nhận đủ số gạo hỗ trợ để yên tâm chăm sóc, bảo vệ rừng".
Bà con người DTTS ở xã Tả Gia Khâu chọn cây trẩu để trồng trên vùng đất khô cằn, đang có nguy cơ sa mạc hóa cao do khí hậu khắc nghiệt, khô hạn kéo dài. Cây trẩu thích nghi với vùng đất khô hạn, tốc độ sinh trưởng nhanh hơn so với các loài cây khác. Ngoài tác dụng phủ xanh, chống sa mạc hóa, tạo nguồn sinh thủy, cây trẩu còn giúp người dân có thêm nguồn thu nhập từ bán quả và hạt (giá bán hạt trẩu cả vỏ là 10 nghìn đồng/kg, hạt đã bóc vỏ là 20 nghìn đồng/kg).
Bên cạnh đó, bà con tập trung trồng cây sa mộc và cây tốc xi dương- đây là hai loài cây bản địa, thích nghi rất tốt với vùng đất dốc, khô hạn kéo dài, cho gỗ tốt nhưng thời gian sinh trưởng khá lâu, ngoài 15 năm mới cho thu hoạch gỗ. Sau bốn năm thực hiện dự án, huyện Mường Khương đã trồng được 150 ha rừng thay thế, mang mầu xanh trở lại với những vùng đất khô cằn.
Để giúp người dân vùng cao chuyển đổi nương rẫy nghèo kiệt và không bỏ nương rẫy hoang hóa, Nhà nước hỗ trợ gạo trong thời gian bảy năm đầu, với tiêu chuẩn 700 kg/ha/năm, bảo đảm lương thực cho đồng bào trồng rừng thay thế.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, đến nay đã giao tận tay người dân tham gia dự án này 866 tấn gạo, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Vui khẳng định: Có nguồn gạo hỗ trợ, đồng bào DTTS sẵn sàng và yên tâm chuyển đổi nương rẫy kém hiệu quả sang trồng rừng kinh tế, làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu và định hướng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp bền vững trên đất dốc, tạo thu nhập ổn định và cao hơn.
Ở tỉnh Lào Cai, do độ dốc lớn, mưa xói mòn, rửa trôi lớp đất màu nên chỉ sau ba đến bốn vụ trồng ngô, sắn…là đất bạc màu, không thể canh tác nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế, vì vậy người dân bỏ nương rẫy. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh hiện có 11.356 hộ gia đình canh tác trên diện tích hơn 21 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó có hàng nghìn ha đất nương rẫy nghèo kiệt bị bỏ hoang hóa.
Năm 2009, UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt dự án trồng rừng thay thế nương rẫy, theo đó, sẽ thực hiện chuyển 5.953 ha nương rẫy sang trồng rừng kinh tế, nhằm thực hiện Chương trình trồng mới năm triệu ha rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trống đồi núi trọc, góp phần ổn định cuộc sống, tạo việc làm và nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp cho đồng bào DTTS ở vùng núi cao.
Dự án được thực hiện tại ba huyện nghèo (theo Chương trình 30a của Chính phủ), có nguy cơ sa mạc hóa cao, đó là: Bắc Hà, Si Ma Cai và Mường Khương. Toàn tỉnh hiện có gần 600 hộ tham gia trồng rừng thay thế nương rẫy nghèo kiệt, hoang hóa, bước đầu đạt kết quả tốt.
Tại huyện Bắc Hà, từ năm 2010, thực hiện chủ trương trồng rừng thay thế nương rẫy của Đảng và Nhà nước, huyện triển khai thí điểm tại năm xã trọng điểm là: Thải Giàng Phố, Tà Chải, Bảo Nhai, Nậm Mòn và Na Hối. Đây là những xã khó khăn, đất trống đồi núi trọc nhiều, nguồn sinh thủy kém, nguy cơ sa mạc hóa cao. Ban đầu, người dân chưa mặn mà với việc trồng rừng do những thôn, bản có nương rẫy đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình đi lại khó khăn, diện tích manh mún, nhỏ lẻ. Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với các xã xuống tận thôn bản tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng.
Đến nay, đồng bào đã tin tưởng, hưởng ứng làm theo và đạt những kết quả bước đầu. Chỉ sau 5 năm thực hiện, những diện tích nương ngô, lúa kém hiệu quả và đất đồi bỏ hoang trước đây đã được phủ xanh bởi cây sa mộc, một loài cây sống khỏe trên vùng đất có độ dốc lớn, khô cằn, nhiều sỏi đá.
Hiện tại, huyện Bắc Hà có 186 hộ tham gia dự án trồng rừng thay thế nương rẫy và đã trồng được 142 ha rừng sa mộc với tỷ lệ cây sống hơn 90%, cây sinh trưởng tốt, đang vào kỳ khép tán, che phủ đất trống khô cằn. Ở huyện vùng cao Si Ma Cai, trơ trọc nhiều núi đá, có hơn 120 hộ tham gia trồng 76 ha rừng phủ xanh nương rẫy hoang hóa.
Điều quan trọng là ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao rõ rệt. Ông Vàng A Dí, ở xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai cho biết, từ khi trồng rừng sa mộc, ý thức bảo vệ rừng của người dân Bản Mế cũng khác trước. Bà con trong xã thống nhất đề ra một bản quy ước, nhà nào thả rông trâu, bò chỉ cần chui vào rừng là bị phạt. Quy ước là một con phạt 100 nghìn, 50 nghìn cho người dắt trâu ra khỏi rừng, 50 nghìn cho quỹ thôn. Trâu bò ăn cây, phá hỏng cây thì phạt 100 nghìn đồng/cây.
Vì thế, từ hồi trồng rừng thay thế nương rẫy đến nay chỉ khoảng 10 người bị phạt, chưa ai bị phạt đền cây vì trâu, bò vừa vào rừng đã có người dắt ra rồi.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai Tô Mạnh Tiến khẳng định: Chủ trương hỗ trợ gạo ăn giúp người dân trồng rừng thay thế nương rẫy là đúng với thực tế và trúng với tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các DTTS vùng núi cao, hạn chế tối đa phát rừng làm nương lấy lương thực, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tạo sinh kế ổn định và bền vững cho người dân địa phương.
Tỉnh và các ngành chức năng tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thay thế làm nương rẫy sang trồng rừng; hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, đặc biệt là tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế từ rừng một cách bền vững.
Tuy nhiên, ông Tiến băn khoăn, sau bảy năm khi dự án kết thúc, bà con không còn được hỗ trợ gạo, trong khi cây chưa đến tuổi khai thác thì chuyện thiếu lương thực sẽ tái diễn; bởi sau bảy năm, cây sa mộc mới đạt khoảng 10cm đường kính thân.
“Chúng tôi đang kiến nghị cấp trên có khoản hỗ trợ nào đó để sau bảy năm này thì người dân có thu nhập tiếp để bảo vệ rừng tốt hơn”- Ông Tiến cho biết. Theo ông Tiến, để tạo nguồn thu sớm từ rừng cho người dân, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cần chỉ đạo các địa phương trong vùng dự án trồng rừng hỗn giao, đa mục đích; đưa loài cây bản địa vào trồng xen ghép, thí dụ cây sơn tra (táo mèo) và cây trẩu.
Cây sơn tra và cây trẩu lớn nhanh, chỉ sau từ năm đến bảy năm có thể thu hoạch quả bán làm dược liệu, đồ uống và lấy tinh dầu; đồng thời nghiên cứu những loại cây giá trị kinh tế cao như: Cây hồi Lạng Sơn, cây hạt dẻ Trùng Khánh, cây trám đen… để trồng thử nghiệm.