Các địa phương và các sở, ngành liên quan cũng rà soát lại phương án phòng, chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, trong đó lưu ý nâng cao năng lực dự báo, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng ngừa thiên tai trong nhân dân, đồng thời, đảm bảo công tác di dời dân tại các địa bàn xung yếu khi thiên tai xảy ra, phối hợp thực hiện phương án khắc phục sau thiên tai.v.v….
Là một địa phương có diện tích rừng tràm khá lớn, chính vì vậy, công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng đã được các ngành, đơn vị chức năng và địa phương có rừng tập trung cao độ. Nhiều đơn vị đã thực hiện tốt việc bảo vệ rừng ngay từ đầu mùa khô năm nay, như tại các khu vực rừng tràm Gáo Giồng, thành phố Cao Lãnh; Vườn quốc gia Tràm Chim và khu Dự án rừng Tràm Phú Cường thuộc huyện Tam Nông…
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng, ngay từ đầu năm các ban quản lý rừng, vườn quốc gia và khu dự án rừng đã xây dựng phương án và kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời ký kết liên tịch với các chủ rừng liên huyện tổ chức họp định kỳ hằng tháng, nhằm phổ biến các văn bản và tình hình diễn biến thời tiết trong khu vực để sẵn sàng hỗ trợ nhau khi có sự cố xảy ra.
Ban quản lý các đơn vị nói trên cũng kết hợp với các xã vành đai củng cố, kiện toàn được nhiều tổ, đội phòng cháy chữa cháy chuyên trách và bán chuyên trách với hàng trăm thành viên tham gia và phân công trực phòng cháy chữa cháy rừng thường xuyên 24/24h/ngày, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng hỗ trợ các xã vành đai và đơn vị bạn khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, trong sản xuất khai thác rừng, các đơn vị nói trên còn kết hợp với các chủ lô quản lý chặt chẽ công nhân, phổ biến kịp thời các văn bản liên quan về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng để họ nắm và có ý thức bảo vệ rừng.
Song song đó, công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng cũng được Ban quản lý các đơn vị quan tâm và đặt lên hàng đầu, trong đó đặc biệt chú trọng hình thức đi sâu vào quần chúng nhân dân, lấy quần chúng nhân dân sống ven vành đai rừng làm nòng cốt. Thực hiện phương châm này, Ban quản lý rừng đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã phân công các ấp khảo sát, nắm hoàn cảnh sống các hộ dân để có kế hoạch hỗ trợ giải quyết việc làm cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn như cho tham gia phục vụ du lịch và khai thác rừng...
Ngoài ra, các đơn vị quản lý rừng ở Đồng Tháp còn phối hợp với Chi cục Kiểm lâm thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân, khách tham quan, các tổ, đội phòng cháy chữa cháy rừng chuyên trách và bán chuyên trách với nhiều hình thức như: tập huấn, tuyên truyền phòng cháy chữa cháy rừng tại các cuộc họp của địa phương, treo các pano, áp phích phòng cháy chữa cháy rừng ở những nơi có nhiều người qua lại, chủ động phối hợp với các hộ sản xuất lúa xung quanh rừng thông tin cho nhau khi đốt đồng để cử cán bộ theo dõi phòng tránh cháy lan...