3 tháng, 200 ha rừng bị phá
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi, trong những tháng đầu năm nay, chỉ có 5 tỉnh trồng được gần 600 ha rừng đặc dụng, phòng hộ; tiến độ trồng rừng sản xuất chậm, chỉ có 8 tỉnh trồng được hơn 8.000 ha.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, cho đến nay, tại nhiều địa phương, rừng vẫn bị phá một cách rất nghiêm trọng, nhiều nơi diễn biến phức tạp. Số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, cả nước phát hiện 455 vụ phá rừng với tổng diện tích rừng bị phá là 200 ha. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng phát hiện gần 3.000 vụ mua bán, vận chuyển và chế biến lâm sản trái phép, tịch thu trên 7.000 m3 gỗ các loại.
Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, công tác bảo vệ và phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, việc bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các địa phương không tương ứng với chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Hiện đã có 17 tỉnh, thành phố phản ánh, Nhà nước giao nguồn vốn ngân sách thì ít nhưng giao chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo vệ, trồng rừng thì nhiều; trong khi nguồn ngân sách địa phương lại rất hạn hẹp khiến các tỉnh, thành khó hoàn thành kế hoạch năm.
Ông Ngãi còn cho biết thêm, nhiều địa phương cũng chưa quan tâm đến việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách cho công tác này. Cụ thể, trong quý I, nguồn vốn mà 37 địa phương bố trí cho công tác bảo vệ, phát triển rừng là 2.700 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách đã chiếm gần một nửa.
Chưa quyết liệt bảo vệ rừng
Đại diện tỉnh Quảng Nam cho hay, rừng ở Quảng Nam bị mất một phần là do có nhiều dự án giao thông, thủy điện triển khai trên diện tích đất rừng. Bên cạnh đó, nguồn vốn cho công tác bảo vệ và phát triển rừng không tương xứng với chỉ tiêu được giao. Hiện tỉnh Quảng Nam còn thiếu đến 15 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch trồng 800 ha rừng phòng hộ và 3.500 ha rừng sản xuất. Theo đại diện tỉnh Quảng Nam, muốn giữ được rừng thì ngoài việc bổ sung vốn, Bộ NN&PTNT phải bổ sung biên chế kiểm lâm cho các địa phương, bởi hiện tại lực lượng kiểm lâm của các địa phương quá mỏng, trong khi lâm lặc hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh; việc phá rừng được thực hiện dễ dàng hơn lúc nào hết: đường gần rừng, cưa gỗ, phương tiện vận chuyển cũng hiện đại. Bên cạnh đó, Bộ cũng phải nghiên cứu đưa ra hình phạt nghiêm khắc với các đối tượng phá rừng trái phép.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, việc tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016 sẽ bắt đầu được triển khai từ 1/6/2013 đến 31/12/2016. Cụ thể, từ tháng 6/2013 - 6/2014, sẽ kiểm kê rừng tại 13 tỉnh Tây Nguyên và ĐBSCL; năm 2014, thực hiện tại 25 tỉnh; năm 2015, thực hiện tại 20 tỉnh và đến năm 2016 sẽ công bố số liệu tổng kiểm kê rừng trên phạm vi cả nước.
Trong khi đó, theo đại diện tỉnh Đắk Nông, tình hình phá rừng trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều điểm nóng mới phát sinh. Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu kinh phí; số dân di cư đến địa bàn tỉnh tăng mạnh. Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có 550.000 dân di cư, tăng gần 200.000 người so với năm 2004. Hệ quả của việc này là một diện tích rừng khá lớn bị biến thành khu dân cư cho các đối tượng này.
Theo ông Đinh Ngọc Minh, Vụ phó Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ KH-ĐT), hiện không chỉ có ngành lâm nghiệp mà nhiều ngành khác cũng rơi vào cảnh thiếu vốn. Trên thực tế, năm 2013, Bộ cân đối 675 tỷ đồng cho các địa phương trồng, bảo vệ 25.000 ha rừng phòng hộ và 5.000 ha rừng sản xuất.
Trong khi nhiều địa phương cho rằng, thiếu vốn, lực lượng kiểm lâm mỏng là những nguyên nhân gây mất rừng thì Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, đây không phải là nguyên nhân chính, mà là do các địa phương chưa quyết liệt trong công tác bảo vệ rừng. Bộ trưởng cho rằng, công tác này phải bắt đầu từ cơ sở. Theo đó, các địa phương cần giao trách nhiệm giữ rừng cho người đứng đầu xã, thôn, bản; bởi thực tế cho thấy, phần lớn những người phá rừng là người của địa phương, còn người từ nơi khác đến thì rất ít. Bộ trưởng lưu ý, nếu không làm quyết liệt thì các địa phương và ngành lâm nghiệp khó hoàn thành chỉ tiêu về bảo vệ và phát triển rừng năm 2013 mà Quốc hội giao.