Trong số diện tích rừng được giao có hơn 588ha rừng trồng sản xuất tại lưu vực hồ thủy lợi và đầu nguồn nước sẽ quy hoạch lại là rừng phòng hộ gắn với giao đất lâm nghiệp cho Ban quản lý rừng và Ủy ban Nhân dân cấp xã quản lý.
Diện tích rừng còn lại được ưu tiên giao cho các hộ gia đình, cá nhân đã nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; hộ di dân tái định cư; hộ thiếu đất sản xuất đang ở gần rừng; các hộ tại chỗ có nhu cầu và khả năng quản lý, bảo vệ, đầu tư phát triển rừng.
Tỉnh Tuyên Quang thực hiện nguyên tắc giao rừng theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và trên cơ sở tự nguyện, công khai, minh bạch, không làm mất vốn của Nhà nước đã đầu tư trồng rừng.
Trước đó, địa phương thực hiện giao trên 4.450ha rừng phòng hộ ở huyện Lâm Bình cho 40 hộ dân các dân tộc trong huyện bảo vệ và trồng rừng (những diện tích còn trống) kết hợp với phát triển kinh tế khu vực lòng hồ thủy điện.
Những hộ sau khi nhận giao khoán tiến hành trồng rừng phòng hộ kết hợp với đầu tư chăn nuôi dưới tán rừng.
Theo thống kê, sau 1 năm thực hiện giao khoán, chỉ tính riêng thu nhập từ chăn nuôi đã mang lại cho các hộ dân gần 1 tỷ đồng, góp phần giảm nghèo bền vững.
Không những vậy, diện tích rừng sau khi giao khoán được các hộ dân bảo vệ và sử dụng đúng mục đích, góp phần hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, duy trì nguồn nước cho 2 nhà máy thủy điện Tuyên Quang và Chiêm Hóa.
Tỉnh Tuyên Quang hiện có gần 447.000ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% diện tích đất tự nhiên. Địa phương phấn đấu hết năm 2016 cơ bản giao xong diện tích rừng trên gắn với giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn có nhu cầu, góp phần nâng cao đời sống nhân dân địa phương và bảo vệ môi trường sinh thái.