Thách thức đặt ra là làm thể nào để công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên góp phần bảo vệ vùng ven biển, khắc phục những tác động tiêu cực của hiện tượng biến đổi khí hậu? Các hoạt động chính góp phần khắc phục thách thức và thích ứng với biến đổi khí hậu trước mắt phải làm là: Trồng rừng, phục hồi và quản lý rừng ngập mặn , chú trọng đến khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Các hoạt động này sẽ bảo vệ vùng bờ biển không bị xói mòn và tiết kiệm đáng kể chi phí bảo dưỡng đê bao; Thiết lập cơ chế đồng quản lý trong rừng ngập mặn và khu vực bãi bồi. Hoạt động này nhằm tăng thu nhập cho người nghèo và khắc phục xung đột giữa phát triển kinh tế và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên... Một vành đai rừng ngập mặn được quản lý tốt sẽ góp phần bảo vệ bờ biển khỏi bị xói lở, và hạn chế tác động xấu của các cơn gió mạnh và đợt sóng lớn. Nó giúp tiết kiệm được chi phí đáng kể dành để bảo dưỡng đê bao và khắc phục được những xung đột giữa phát triển kinh tế và quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững . * Khởi đầu từ một Dự án hợp tác Việc trồng rừng ngập mặn ở Sóc Trăng đã được triển khai dọc theo bờ biển của tỉnh từ những năm 1980, nhưng mức độ thành công thì rất khác nhau. Việc người dân, kể cả việc quy họach, quản lý, chạy theo những lợi ích kinh tế trong nuôi trồng thủy sản và việc sử dụng không bền vững tài nguyên thiên nhiên của vùng ven biển trước đây đã đe dọa đến chức năng phòng hộ của rừng ngập mặn ven biển... Từ năm 2007, Sóc Trăng được Tổ chức hợp tác kỹ thuật của Cộng hòa Liên bang Đức (GTZ) tài trợ Dự án “Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên ven biển tỉnh Sóc Trăng”. Đây là dự án nhằm cung cấp những giải pháp thử nghiệm để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh giữa phát triển kinh tế và quản lý một cách bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Dự án này cũng bao gồm những hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách tập trung vào đa dạng hóa cách thức kiếm sống của người dân nghèo và công tác quản lý rừng ngập mặn. Ngoài mục đích nhằm quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn có hiệu quả, tạo thu nhập cho cộng đồng dân cư địa phương, Dự án quản lý nguòn tài nguyên thiên nhiên ven biển tỉnh Sóc Trăng còn thực hiện quy hoạch tổng hợp sử dụng đất và quản lý tài nguyên thiên nhiên trên vùng ven biển như trang trại nuôi tôm – đê bao – rừng ngập mặn – đầm lầy... chứ không phải chỉ chăm sóc mỗi rừng phòng hộ (rừng ngập mặn). Theo Tiến sĩ Klaus Schmitt, Cố vấn trưởng Dự án GTZ tại Sóc Trăng: Dự án sẽ thử nghiệm nhiều cách thức trồng rừng ngập mặn khác nhau để bắt chước thiên nhiên, hoặc mô phỏng những mô hình khoanh nuôi tái sinh tự nhiên thành công. Dự án sẽ áp dụng thí điểm các phương pháp trồng rừng mới nhằm tạo ra các khu rừng ven biển đa dạng cả về cơ cấu loài cũng như tăng khả năng thích ứng đối với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Vì thế, dự án đã khởi động một nghiên cứu chi tiết do Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng phía Nam tại thành phố HCM thực hiện để phân tích những nguyên nhân thành công và thất bại của việc trồng rừng trong quá khứ. Căn cứ vào những bài học từ thực tiễn, trong nước và quốc tế, Dự án đã xây dựng một báo cáo chi tiết về lịch sử rừng ngập mặn ở Sóc Trăng từ 1965 đến 2008. Ngoài những phương pháp trồng rừng truyền thống, Dự án còn bao gồm những thử nghiệm các biện pháp tiếp cận mới bắt chước thiên nhiên và các biện pháp khác nhằm chuyển các khu rừng mới trồng thành các khu rừng đa dạng (về tầng và loài) với sức chống chịu tốt hơn... * Mô hình mẫu về việc “đồng quản lý” của Dự án Ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu nằm ven biển của tỉnh Sóc Trăng hiện là địa bàn thí điểm cho việc thực hiện Quản lý Tổng hợp Vùng ven biển với sự hỗ trợ tích cực của Ban điều hành liên ngành ở cấp tỉnh và cấp huyện, có sự điều phối và hợp tác của tất các chi cục của Sở NN & PTNT, địa phương đồng thời với sự tham gia của tất cả các bên có liên quan ở các cấp huyện, xã và ấp. Âu Thọ B có gần 100 ha rừng phòng hộ ven biển, dân số khoảng trên 700 hộ, chủ yếu là đồng bào Khmer. Ngay khi Dự án triển khai mô hình “đồng quản lý” (vào tháng 9/2009) bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên tại đây đã có 240 hộ đăng ký tham gia và hiện nay con số này đã lên gần 300 hộ. Theo mô hình “đồng quản lý” của GTZ, rừng ở ấp Âu Thọ B hiện được phân thành 4 khu để quản lý, trong đó, khu phòng hộ là rừng đước có 12 ha, được xác lập nhằm để bảo vệ tốt cho các loài thủy sản có nơi trú ngụ, và sinh sản tự nhiên, duy trì tính đa dạng của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Khu phục hồi bên trong là 1 phần của đai rừng, nơi có mật độ thưa, đang được trồng thêm rừng để ngăn cản sóng và làm nơi trú ẩn của sinh vật biển, có diện tích 22 ha. Khu phục hồi bên ngoài rừng có diện tich 26,5 ha, là khu rừng mới trồng, có bề rộng 90 mét tính từ đai rừng lớn trở ra biển, được xác lập nhằm tăng cường bề rộng đai rừng, để ngăn cản sóng biển và che chở cho các loài sinh vật biển và cuối cùng là khu sử dụng bền vững có diện tích 34 ha, là phần đai rừng bên trong, nơi có nhiều cây rừng đã phát triển rậm rạp, có thể cung cấp tài nguyên cho con người, nếu được sử dụng bền vững. Dự án “Quản lý nguồn tài nguyên thiên thiên ven biển Sóc Trăng” hiện đang hỗ trợ Chi cục Kiểm lâm và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phục hồi rừng ngập mặn và thành lập cơ chế đồng quản lý rừng ngập mặn và vùng bãi bồi ven biển. Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các chương trình làm xanh sạch đẹp môi trường tại ấp Âu Thọ B. Tất cả các hoạt động này đã và đang được gắn kết với nhau thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức về môi trường . Dự án cũng sẽ hỗ trợ khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân và nông dân nuôi trồng thủy sản nhằm tạo thu nhập cho người dân trong vùng dự án. Nói về lợi ích của việc trồng rừng do dự án GTZ mang lại, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho biết: Dự án của GTZ hiện đã thực hiện thí điểm một số kỹ thuật trồng, khôi phục rừng ở một vài khu vực trong địa bàn huyện. Thực tế, qua mô hình “Đồng quản lý” tại ấp Âu Thọ B cho thấy: người dân ở đây đã chuyển biến rất tốt về hành vi cùng phối hợp bảo vệ môi trường, ý thức tự giác cao trong việc đồng quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Dự án đã triển khai. Riêng tại huyện Vĩnh Châu hiện có trên 3.560 ha rừng và đất rừng ngập mặn ven biển, việc bảo vệ và phát triển được vốn rừng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cả về kinh tế, xã hội, môi trường cho người dân địa phương và trong khu vực.