Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD) có tên đầy đủ là Dự án hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu ở rừng và đồng bằng Việt Nam được triển khai từ tháng 10/2012 đến tháng 3/2018 qua 2 giai đoạn. Kết quả của dự án đã tác động tích cực thực hiện kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu và chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, giúp thúc đẩy sự chuyển đổi của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững và hạn chế phát thải khí nhà kính.
Với nền tảng sự thành công của thí điểm chính sách chi trả DVMTR tại 2 tỉnh Sơn La và Lâm Đồng với sự tài trợ của USAID thông qua Winrock International từ năm 2008, chi trả DVMTR cũng là một trong những hoạt động thành công nhất của dự án VFD. Ngày 01/9/2017, USAID đã có thông báo chính thức bổ sung kinh phí và gia hạn dự án VFD từ tháng 4/2018 đến tháng 12/2020 (giai đoạn 3) tiếp tục hỗ trợ việc hiện đại hóa chi trả DVMTR tại Việt Nam nhờ mở rộng chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon rừng, tăng cường hệ thống giám sát đánh giá và khuyến khích sử dụng cơ chế chi trả qua gia dịch điện tử. Địa điểm được đề xuất triển khai giai đoạn 3 của dự án là Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh và Lâm Đồng.
Ngày 23/5, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam Nguyễn Bá Ngãi đã chủ trì cuộc họp nhằm thống nhất về nội dung chi tiết của văn kiện dự án VFD giai đoạn 3 và cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong quá trình thực hiện dự án. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT, Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, tổ chức Winrock International và VNFF.
Thảo luận tại cuộc họp, một số kết quả dự kiến của dự án được đề xuất và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam được đề xuất tham gia với vai trò như một đối tác của Ban quản lý dự án trung ương:
(1) Nghiên cứu, thí điểm, thể chế hóa được chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon của rừng. Ban hành được sổ tay hướng dẫn cho các chủ rừng kỹ thuật tính toán được lượng lưu trữ các-bon của rừng, từng bước tiếp cận quyền các-bon, được coi như tài sản chủ rừng, có thể mua, bán trên thị trường.
(2) Thí điểm, thể chế hóa được hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện chính sách chi trả DVMTR và ban hành được sổ tay hướng dẫn
(3) Thí điểm, thể chế hóa được thanh toán tiền chi trả DVMTR cho các hộ dân thông qua giao dịch điện tử, ngân hàng và ban hành được sổ tay hướng dẫn
(4) Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến chi trả DVMTR và Quỹ BV&PTR trong đó có dự thảo Nghị định trình Chính phủ quy định về DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon của rừng và các hoạt động tăng cường năng lực
Sau cuộc họp, văn kiện dự án giai đoạn 3 sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện trước khi trình Bộ NN&PTNT phê duyệt làm căn cứ triển khai, thực hiện trong thời gian tới.