Theo Nghị định 147/2016/NĐ-CP ngày 02/11/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, mức thu áp dụng đối với các cơ sở sản xuất thủy điện từ 20 đồng/kWh tăng lên 36 đồng/kWh. Bên cạnh đó, năm nay, số tiền dịch vụ môi trường rừng nợ đọng cũng giảm hẳn so với những năm trước do các đơn vị sử dụng dịch dịch vụ môi trường rừng đã nghiêm túc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ hơn.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến cuối tháng 4/2018, cả nước đã thu được trên 888 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt trên 38% kế hoạch năm và tăng 68% so với cùng kỳ năm 2017 (thu tăng so với cùng kỳ 361 tỷ đồng); trong đó, Quỹ Trung ương thu được trên 713 tỷ đồng; Quỹ tỉnh thu được gần 175 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, thu tiền dịch vụ môi trường rừng năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ bởi thực hiện theo Nghị định 147/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng áp dụng đối với các cơ sở sản xuất thủy điện từ 20 đồng/kWh lên 36 đồng/kWh từ ngày 01/12/2017. Bên cạnh đó, năm nay, tỷ lệ nợ đọng tiền dịch vụ môi trường rừng đã giảm đáng kể so với nhiều năm qua; thời tiết thuận lợi, mưa nhiều nên lượng điện phát ra tăng.
Dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, giảm áp lực chi ngân sách, chi trả cho trên 5,4 triệu ha rừng. Đây chính là nguồn kinh phí để hỗ trợ người trồng rừng và bảo vệ rừng, từ đó sẽ giúp người dân sống bằng nghề rừng ổn định hơn và gắn bó với rừng hơn.
Dịch vụ môi trường rừng là loại hình sản phẩm phi lâm sản do rừng mang lại cho các nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống con người. Đây cũng là điểm mới khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc chuyển hướng khai thác lợi ích tiềm năng của rừng, từ sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ sang sản phẩm phi gỗ, tạo nguồn tài chính bền vững để đầu tư trực tiếp vào rừng.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, lũy kế chi tiền dịch vụ môi trường rừng của năm 2017 đến cuối tháng 4/2018 đạt gần 1.028 tỷ đồng/1.452 tỷ đồng trả cho chủ rừng, đạt xấp xỉ 71% số phải chi trả