Ngày 24/5, được sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thông qua Chương trình Môi trường trọng điểm và Sáng kiến hành lang Bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng sông Meekong và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Tổng cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF) đã tổ chức Hội thảo
tham vấn đánh giá kết quả thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2015 và thiết lập công cụ giám sát, đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam. Ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), VNFF, Sở NN&PTNT, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh trong cả nước cùng đại diện của các tổ chức quốc tế WWF, CIFOR, ICRAF, JICA, PanNature, GIZ... và cơ quan báo chí truyền thông.
Hội thảo gồm 2 nội dung lớn chia làm 2 phiên thảo luận. Về phiên 1 diễn ra vào buổi sáng, VNFF chia sẻ với đại biểu tham dự nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010, đặc biệt VNFF tập trung vào việc tiếp thu, giải trình Công văn số 10567/VPCP-KTN ngày 17/12/2015 của Văn phòng Chính phủ về hiệu quả sử dụng tiền DVMTR và tác động của việc điều chỉnh mức chi trả DVMTR đến kinh tế, xã hội, môi trường trong đó nhấn mạnh tác động đối với người tiêu dùng và một số ngành sản xuất lớn, tiêu thụ nhiều điện năng. Trên cơ sở đó, VNFF tiếp thu, ghi nhận những sự đóng góp ý kiến, sự đồng thuận từ các Bộ, ban ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ lần cuối cùng trình Bộ NN&PTNT xem xét trước khi trình Chính phủ dự kiến vào tháng 6.
Buổi chiều, các đại biểu tham gia lắng nghe và thảo luận kết quả nghiên cứu của tư vấn về bộ công cụ chỉ số giám sát và đánh giá chi trả DVMTR. Theo đó, trên cơ sở một báo cáo của một nhóm chuyên gia trong và ngoài nước về giám sát, đánh giá (M&E) chi trả DVMTR đề xuất 43 chỉ số, tư vấn đã rà soát, chọn lọc, bổ sung, cụ thể hóa các chỉ số trên tạo nên Bộ chỉ số M&E về chi trả DVMTR rút gọn với 22 chỉ số giám sát và 13 chỉ số đánh giá có thể áp dụng được trong giai đoạn hiện tại. Bộ công cụ chỉ số giúp các nhà quản lý, cơ quan giám sát đánh giá độc lập, và công chúng đánh giá mức độ công khai, công bằng và hiệu quả của việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR ở từng địa phương và cả nước, đồng thời cũng chỉ ra nguyên nhân, định hướng biện pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách ở các địa phương. Về vấn đề này, buổi thảo luận đã nhận được nhiều sự quan tâm, tham gia ý kiến của các tổ chức quốc tế và nhiều địa phương. Đa số đại biểu đánh giá cao sự tiến triển từ những bộ chỉ số rất dài nay đã được rút ngắn gọn để trở nên phù hợp hơn, tuy nhiên 1 số chỉ số cần xem xét thêm để áp dụng. Thời gian tới, tư vấn cùng VNFF, PanNature, CORENAM, SEEDS (FORLAND) tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện khung chỉ số M&E để thí điểm bộ công cụ thực hiện này tại địa phương (dự kiến tại 3 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh), nghiên cứu ứng dụng thiết bị di dộng (mobile apps) trong giám sát rừng nhận chi trả DVMTR, biên soạn Sổ tay hướng dẫn làm cơ sở nhân rộng và phát triển trong phạm vi cả nước.