Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường thực thi Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam” (IPFES), ngày 31 tháng 3 năm 2016, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam phối hợp Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai tổ chức
Hội thảo tham vấn xây dựng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với hoạt động sản xuất công nghiệp tại Lào Cai nhằm
tham vấn ý kiến của các sở, ban ngành tỉnh và các cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng nước từ rừng về kết quả nghiên cứu của nhóm tư vấn trước khi trình UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt. Ông Phạm Hồng Lượng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Ảnh: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai
Tại Khoản 3, Điều 7 của Nghị định 99 quy định “Các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ rừng phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước”, theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai, năm 2015, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 17 cơ sở sản xuất công nghiệp tự khai thác nước từ các sông, suối có nguồn gốc từ rừng, các cơ sở này chưa tham gia chi trả DVMTR cho lượng nước này.
Theo kết quả điều tra, khảo sát tại 11 cơ sở sản xuất công nghiệp hiện tại ở Lào Cai có khai thác nước (cơ sở tuyển quặng sắt, đồng, apatit, vàng, vật liệu xây dựng...) thì nhu cầu nước rất khác nhau cho mỗi đơn vị sản phẩm. Tổng lượng nước khai thác thực tế chiếm 35,5% tổng lượng nước khai thác theo đăng ký.
Trên cơ sở các thông tin thu thập và phân tích được, nhóm tư vấn đưa ra 2 phương pháp tính toán mức chi trả: dựa trên giá trị điều tiết và duy trì nguồn nước của rừng cho sản xuất công nghiệp tại Lào Cai và dựa trên mức sẵn lòng chi trả của các cơ sở sản xuất công nghiệp. Từ kết quả tính toán được, nhóm tư vấn đề xuất mức áp dụng là 50 đồng/m3 nước khai thác, tuy nhiên nên áp dụng theo lộ trình: đầu tiên áp dụng ở mức chi trả 30 đồng/m3 nước khai thác, sau đó, khi mức chi trả của nước sạch được tăng lên 52 đồng/m3 thì điều chỉnh mức chi trả của nước công nghiệp có thể tăng lên 50 đồng/m3 nước khai thác. Số tiền phải nộp = Đơn giá (đ/m3 nước) x Sản lượng nước (theo Giấy phép) x Hệ số sử dụng nước thực tế trong đó Hệ số sử dụng nước do Sở Công Thương cung cấp và nên được thể chế hóa trong Quy định.
Nhóm tư vấn cũng đề xuất hình thức chi trả ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai. Việc xác định chủ rừng để chi trả có thể dựa theo cách xác định lưu vực nước của thủy điện.
Ảnh: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai
Những kết quả nghiên cứu của nhóm tư vấn sẽ là cơ sở quan trọng để Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lào Cai tham mưu, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Quy định về mức thu, quản lý và sử dụng tiền DVMTR đối với cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.