Ngày 02/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2016/NĐ-CP (Nghị định 147) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2010/NĐ-CP (Nghị định 99) ngày 24/9/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).
Việc ban hành Nghị định 147 đã đáp ứng được mong mỏi của các bên liên quan đặc biệt là những người dân đang hàng ngày chăm sóc, bảo vệ rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Theo đó, Nghị định 147 bao gồm một số nội dung chính như sau:
Về đối tượng được chi trả tiền DVMTR (tại Điều 8 Nghị định 99) đã được bổ sung 02 đối tượng là Ủy ban nhân dân cấp xã và Các tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật có cung ứng DVMTR;
Về mức chi trả tiền DVMTR (tại Điều 11 Nghị định 99) được sửa đổi: đối với các cơ sở sản xuất thủy điện, mức chi trả tiền DVMTR được quy định là 36 đồng/kwh điện thương phẩm (so với mức quy định cũ là 20 đồng/kwh); đối với các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch, mức chi trả tiền DVMTR được quy định là 52 đồng/m3 nước thương phẩm (so với mức quy định cũ là 40 đồng/m3). Như vậy, với mức chi trả mới này, thu nhập của người dân từ DVMTR tăng lên trung bình từ 1,7-1,8 lần/ha/năm.
Về việc sử dụng tiền DVMTR (tại Điều 15 Nghị định 99), ngoài việc sử dụng kinh phí dự phòng khi có thiên tai, khô hạn, Nghị định 147 bổ sung cho phép sử dụng hỗ trợ trong trường hợp mức chi trả tiền DVMTR trên cùng 1 đơn vị diện tích thấp hơn mức chi trả của năm trước liền kề. Nghị định 147 cũng quy định đối với diện tích rừng có mức chi trả DVMTR lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng, tùy theo đối tượng trên cùng địa bàn tỉnh, UBND tỉnh quyết định mức điều tiết phù hợp.
Ngoài ra, đối với đối tượng được chi trả tiền DVMTR là UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng chưa giao, cho thuê theo quy định của pháp luật thì tiền DVMTR nhận được coi là nguồn thu của Quỹ BV&PTR cấp xã, quản lý chi theo quy định tại Điều 3, Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; Đối với Tổ chức chính trị-xã hội được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật phải lập phương án sử dụng kinh phí quản lý bảo vệ rừng từ nguồn tiền chi trả DVMTR trình UBND cấp huyện phê duyệt thay vì trước đây phải gửi Sở NN&PTNT thẩm định, tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 5 Thông tư 62/2012/TT-BNNPTNT ngày 09/11/2012 quy định nguyên tắc, phương pháp xác định diện tích rừng trong lưu vực phục vụ chi trả DVMTR.
Bên cạnh đó, Nghị định 147 đã bãi bỏ khoản 7 và điểm b, khoản 9, Điều 22 của Nghị định 99 về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, theo đó UBND tỉnh không cần phải xác nhận danh sách các chủ rừng là tổ chức và UBND cấp huyện cũng không cần phải xác nhận danh sách các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có cung ứng cho 1 đơn vị sử dụng DVMTR. Điều này góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách.
Nghị định 147 được ban hành đã thể hiện sự đồng thuận lớn của toàn xã hội đối với chính sách, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các bên liên quan được đảm bảo. Điều này không chỉ dừng lại ở việc gia tăng nguồn thu tiền DVMTR hàng năm mà cũng đồng nghĩa với việc số tiền người dân tham gia bảo vệ, cung ứng DVMTR nhận được hàng năm cũng tăng lên, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, cải thiện thu nhập, sinh kế nhất là đối với đồng bào dân tộc nghèo vùng núi; giúp họ có thêm động lực tham gia giữ rừng, bảo vệ rừng.
Sau 5 năm từng bước đưa chính sách mới vào thực tiễn, việc Chính phủ ban hành Nghị định 147 đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc nảy sinh thời gian qua, và là cơ sở quan trọng để tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách hơn nữa trong thời gian tới, thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng của Đảng và Nhà nước.
Theo quy định, Nghị định 147 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Riêng mức chi trả tiền DVMTR đối với các cơ sở sản xuất thủy điện được áp dụng kể từ lần điều chỉnh giá bán lẻ điện đầu tiên sau khi Nghị định 147 có hiệu lực.