Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được áp dụng tại Vườn quốc gia Cát Tiên kể từ năm 2010 và đã có những đóng góp đáng kể trong công tác bảo vệ một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, những năm qua việc phổ biến chính sách này đến với người dân thường được thực hiện dưới hình thức “đọc – nghe” như đài phát thanh, họp dân. Cách làm này thường khó “thẩm thấu”, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số vì không có sự tương tác. Thực trạng này đã đặt ra yêu cầu cần phải thay đổi cách làm để nâng cao hiệu quả truyền thông.
Từ năm 2019, Vườn quốc gia Cát Tiên đã mạnh dạn áp dụng các hình thức tuyên truyền mang tính tương tác cao để nâng cao hiệu quả truyền thông. Và qua thực tế 4 buổi truyền thông được tổ chức dưới dạng sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vừa qua, hiệu quả đã được kiểm chứng.
Được ăn, được nói, được gói mang về
Vừa qua, ngày 22-23/10, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã phối hợp với Vườn quốc gia Cát Tiên tổ chức 4 buổi sinh hoạt cộng đồng tìm hiểu về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các xã Tiên Hoàng, Gia Viễn, Phước Cát 2 và Đồng Nai Thượng (Cát Tiên, Lâm Đồng). Đợt truyền thông này có sự tham gia của 350 người dân đang là đối tượng thụ hưởng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Người dân tham gia các trò chơi tập thể tìm hiểu về các hành vi bị nghiêm cấm trong công tác bảo vệ rừng
Nội dung tuyên truyền được thể hiện thông qua hình thức hỏi - đáp: Người dân trả lời đúng câu hỏi đưa ra sẽ được một phần quà đem về. Buổi sinh hoạt không còn mang không khí gò bó của một hội nghị mà thay vào đó là nhiều tiếng cười giòn tan, đầy cởi mở.
Bột ngọt, dầu ăn, xà phòng… được làm quà tặng cho người dân tham gia
Câu hỏi trắc nghiệm chỉ là một cái “cớ” để tuyên truyền viên diễn giải thông điệp cần chuyển tải đến cộng đồng và việc người dân trả lời đúng hay sai không bị ảnh hưởng nhiều. Nếu trả lời đúng thì họ có cơ hội tiếp tục chia sẻ thông tin họ biết cho cộng đồng. Còn nếu trả lời sai thì tuyên truyền viên sẽ giúp diễn giải lại cho cộng đồng hiểu. Điều quan trọng là hoạt động tuyên truyền được diễn ra trong không khí vui tươi và thu hút người nghe.
Cộng đồng người Stiêng tại xã Đồng Nai Thượng tham gia buổi sinh hoạt cộng đồng.
Khi công nghệ 4.0 về thôn bản
Từ đầu năm 2019, người dân nhận khoán rừng đã được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng bằng hình thức thanh toán điện tử, giúp đảm bảo tính minh bạch, nhanh chóng và tiện lợi. Khái niệm “tài khoản” có lẽ còn xa lạ với nhiều người nhưng việc tiếp cận và sử dụng ứng dụng thuần Việt thanh toán điện tử ViettelPay đã trở nên hết sức đơn giản. Trong khuôn khổ chương trình truyền thông, Vườn quốc gia Cát Tiên đã lồng ghép nội dung hướng dẫn sử dụng ứng dụng ViettelPay giúp người nhận khoán có thể khai thác tối đa các tiện ích của ứng dụng, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu giao dịch của mình trong cuộc sống. Đồng thời, tạo động lực, niềm tin để họ yên tâm thực hiện công việc bảo vệ rừng.
Dịch vụ môi trường rừng – Giá trị cho cuộc sống hôm nay và mai sau
Trong năm 2019, Vườn quốc gia Cát Tiên được nhận gần 18 tỉ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Nguồn tài chính này đã có những tác động tích cực, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển của Vườn, góp phần làm giảm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Hơn nữa, môi trường rừng từng bước được cải thiện, tăng khả năng phòng hộ, điều tiết và duy trì nguồn nước cho các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng.
Dự kiến, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Vườn tổ chức thêm 4 đợt truyền thông tại các xã Tà Lài, Đắc Lua (Tân Phú, Đồng Nai) và Thống Nhất (Bù Đăng, Bình Phước) trong tháng 11,2019.