Ngày 19/04, tại Lào Cai, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) trên phạm vi cả nước nhằm đánh giá những khó khăn, vướng mắc để tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề xuất các giải pháp giúp thúc đẩy việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) năm 2019 hiệu quả. Hội nghị do ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp, giám đốc Quỹ chủ trì
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp phát biểu khai mạc hội nghị
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo, cán bộ Quỹ Trung ương và hơn 30 Quỹ địa phương cùng 1 số cơ quan báo chí.
Ông Lê Văn Thanh, Phó giám đốc Quỹ Trung ương trình bày báo cáo
Theo báo cáo của Quỹ BV&PTR Việt Nam, năm qua, việc triển khai có hiệu quả Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách chi trả DVMTR đã đem lại những tín hiệu tích cực, được các cấp chính quyền, địa phương quan tâm và đánh giá cao. Cũng trong năm 2018, 02 nguồn thu DVMTR mới đối với cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước và doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản có sử dụng môi trường rừng đã chính thức được quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (Nghị định số 156) làm cơ sở triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước, góp phần gia tăng nguồn thu DVMTR. Hiện tại, một số Quỹ BV&PTR tỉnh như Nghệ An, Quảng Nam, Hà Tĩnh đã chủ động ký được 28 hợp đồng ủy thác với các cơ sở sản xuất công nghiệp. Đây là một tín hiệu tốt để đôn đốc cả nước trong việc thu tiền DVMTR đối với loại dịch vụ này cũng như nhanh chóng triển khai Nghị định số 156.
Bên cạnh đó, Quỹ Trung ương cũng đang phối hợp với Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam và Dự án Trường Sơn xanh triển khai nghiên cứu thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hâp thụ và lưu giữ các - bon của rừng tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh (do dự án VFD hỗ trợ nghiên cứu); Quảng Nam, Thừa Thiên Huế (do dự án Trường Sơn xanh hỗ trợ nghiên cứu).
Việc thí điểm trả tiền DVMTR không dùng tiền mặt vẫn đang được Quỹ Trung ương chủ động phối hợp với GIZ (qua tài khoản ngân hàng) tại Yên Bái, Hòa Bình, Đắk Nông và Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (qua viettelPay) tại Sơn La, Lâm Đồng và sớm tổng kết đánh giá, hướng dẫn phương pháp thanh toán để các địa phương lựa chọn áp dụng.
Thu tiền DVMTR năm 2018 cả nước đạt 2.937,9 tỷ đồng tăng 71% so với năm 2017. Đến hết Quý I/2019, cả nước đã thu được 690,28 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018.
Đến nay, diện tích rừng được trả tiền DVMTR là 5,2 triệu ha rừng trên tổng 6,3 triệu ha được hưởng tiền DVMTR chiếm 43% tổng diện tích rừng toàn quốc.
Quang cảnh hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, giám đốc Quỹ Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và trân trọng cám ơn hệ thống Quỹ đã đóng góp những kết quả quan trọng vào sự thành công chung của ngành Lâm nghiệp trong năm qua. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải nhanh chóng tháo gỡ. Cùng với đó, ông Nguyễn Quốc Trị cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 và định hướng chung cho hệ thống quỹ đảm bảo tăng thu, chi đúng, chi đủ, chi kịp thời, chi an toàn trong quá trình thực hiện chính sách chi trả DVMTR, đạt kế hoạch năm 2019 cả nước thu 3.200 tỷ đồng tiền DVMTR: (i) Đôn đốc các địa phương triển khai ngay việc thu tiền DVMTR từ 2 loại hình dịch vụ mới đó là từ các Cơ sở sản xuất công nghiệp và Cơ sở nuôi trồng thủy sản theo quy định của Nghị định số 156; (ii) Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng; (iii) Thống nhất thanh toán tiền DVMTR không bằng tiền mặt, chủ yếu từ Quỹ tỉnh xuống các loại chủ rừng.