Ngày 07 tháng 8 năm 2019, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng”. Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham dự, đóng góp ý kiến của các đại biểu đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đại diện lãnh đạo các UBND, Sở NN&PTNT, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của 04 tỉnh thí điểm, đại diện một số tổ chức quốc tế; doanh nghiệp tham gia thí điểm; chuyên gia, tư vấn.
Theo kết quả kiểm kê khí nhà kính quốc gia đã chỉ ra, thì nhóm các nhà máy nhiệt điện và xi măng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. Trong đó, trên 99% phát thải của các nhà máy này là khí CO2. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có bất kỳ cơ chế tài chính nào đối với khí CO2.
Theo dự thảo Quyết định, 4 địa phương được lựa chọn thí điểm là Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam với 20 đơn vị là các cơ sở sản xuất có nguồn khí phát thải lớn gồm: 9 tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than (phát thải từ 1,5 - 7,3 triệu tấn CO2/cơ sở/năm); và 11 tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh xi măng (phát thải từ 0,7 - 3,1 triệu tấn CO2/cơ sở/năm). Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 01/01/2020 đến 31/12/2020.
Dự thảo cũng quy định về mức chi trả phù hợp với mức giá trung bình mà các doanh nghiệp sẵn lòng chi trả: đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than, mức thu 4 đồng/kwh (tương đương 2 USD/tấn CO2); đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh xi măng mức thu 2.100 đồng/tấn Clanhke (tương đương 1,35 USD/tấn CO2). Theo kết quả tính toán, mức tiền chi trả này sẽ không tác động nhiều đến tính cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tham gia thí điểm cũng như chi tiêu của các hộ gia đình.
Với mức chi trả này, dự kiến 4 tỉnh thí điểm sẽ thu được khoảng 156 tỷ đồng/năm. Số tiền này sẽ được chi trả đến các hộ gia đình trồng và bảo vệ rừng. Đây là nguồn thu chính đáng để phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, giảm áp lực ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác này, đồng thời cũng góp phần thực hiện chủ trương nâng cao giá trị gia tăng từ rừng, gia tăng các sản phẩm và dịch vụ sinh thái từ rừng, tạo sinh kế cho người dân.
Dựa trên nguyên tắc về loại rừng có tiềm năng hấp thụ và lưu giữ các bon và được duy trì ổn định trong thời gian tương đối dài. Dự thảo xác định các loại rừng được chi trả gồm: rừng từ nhiên; rừng trồng đặc dụng, phòng hộ. Đối với rừng trồng sản xuất tham gia vào hoạt động này thì phải là rừng được cấp chứng chỉ.
Trong vài thập kỷ gần đây, biến đổi khí hậu và định giá khí thải CO2 là những vấn đề đang được các quốc gia quan tâm trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu. Định giá khí thải CO2 là cơ chế để các doanh nghiệp trả một khoản tiền tương ứng với lượng CO2 họ thải ra môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh. Do vậy, dự thảo quy định về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng dựa trên nguyên tắc: người gây phát thải khí nhà kính phải trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng.
Năm 2015, Việt Nam đã tham gia ký Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, theo đó Việt Nam cam kết đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ban hành Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Theo đó, đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thí điểm đến hết 2020, tổng kết, trình Chính phủ quy định chi tiết đối tượng, hình thức chi trả, mức chi trả, quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ về hấp thụ và lưu trữ các bon của rừng.
Đây chính là cơ hội để chúng ta thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn nhấn mạnh Việt Nam nhận thức sâu sắc về vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng là quốc gia đi đầu trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, việc triển khai dịch vụ môi trường rừng về hấp thụ và lưu giữ các bon phù hợp với xu hướng quốc tế, đã được thể hiện tại các chủ chương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. Việc xây dựng quy định phải phù hợp với thông lệ quốc tế, các quy định của pháp luật và bảo đảm lợi ích của các bên. Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục làm rõ và tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp, hoàn thiện, trình theo quy định.