Là địa phương miền núi, nằm trong vùng xung yếu với nhiều diện tích rừng nguyên sinh và rừng trồng mới, Nam Giang luôn đối mặt với nguy cơ cháy rừng vào mùa khô. Cùng với thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài và tập tục phát nương, đốt rừng làm rẫy của đồng bào các dân tộc thiểu số... là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn, dễ dẫn đến nguy cơ cháy rừng ở các địa phương trên địa bàn huyện.
Theo ông Đinh Anh Tuấn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Giang, hiện có 2 khu vực nằm trong vùng xung yếu, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao là xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ. Bởi nơi đây có rừng trồng cây nguyên liệu khá lớn, lại đông dân cư, độ che phủ rừng cao, rất dễ xảy ra cháy rừng. Để đảm bảo an toàn, cũng như ứng phó kịp thời với nguy cơ cháy rừng, những năm qua Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện ký hợp đồng mỗi địa phương một người, chuyên làm nhiệm vụ trực cháy và thông báo kịp thời khi có cháy rừng xảy ra trong mùa khô cho lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn do địa hình miền núi phức tạp, nhiều nơi đi lại khó khăn, trong khi trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) còn thô sơ, việc đảm bảo an toàn tuyệt đối khi có cháy rừng xảy ra vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu. Đó là chưa kể đến nguồn kinh phí đầu tư cho công tác PCCCR còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao; cũng như nhận thức ở một bộ phận nhân dân địa phương còn nhiều hạn chế;... khiến công tác PCCCR luôn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
“Để chủ động giữ rừng, từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm Nam Giang đã tham mưu UBND huyện xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng và PCCCR. Đồng thời chỉ đạo các trạm kiểm lâm địa bàn tham mưu UBND các xã, thị trấn về xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng và PCCCR cho từng địa phương. Riêng tại địa bàn xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ, chúng tôi cũng đã thành lập 2 Ban Chỉ huy quản lý bảo vệ rừng và PCCCR, đảm bảo việc ứng phó trong mọi tình huống khi xảy ra cháy rừng” - ông Tuấn cho biết thêm.
Nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng ở địa bàn miền núi trở thành mối đe dọa lớn đối với người dân địa phương. Do vậy, cùng với xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, việc chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến với người dân bản địa về công tác PCCCR cũng là giải pháp hữu hiệu giúp lực lượng chức năng huyện Nam Giang ngăn chặn được rủi ro từ nguy cơ cháy rừng ở địa phương.
Đứng trước diễn biến phức tạp của thời tiết khí hậu, từ đầu năm đến nay lực lượng chức năng huyện Nam Giang đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng chống nguy cơ cháy rừng. Trong đó, chủ động triển khai thực hiện thường xuyên liên tục nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và chú trọng công tác tuyên truyền đến với quần chúng nhân dân trên địa bàn.
Ngoài việc chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn tham mưu UBND các xã, thị trấn củng cố và thành lập các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng và PCCCR ở 18 thôn với 138 thành viên tham gia, ngành kiểm lâm địa phương còn tổ chức diễn tập, phổ biến tuyên truyền theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ). Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức cho đồng bào bản địa, bám sát và chủ động ứng phó với nguy cơ cháy rừng vào mùa khô.
Bên cạnh việc lồng ghép các chương trình, dự án để tuyên truyền, phổ biến công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR ở các thôn, bản trên địa bàn quản lý, Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang còn tiếp tục duy trì và thực hiện 14 hương ước bảo vệ rừng đã được xây dựng tại 14 thôn trên địa bàn; hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm cho 24 thôn, bản trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh; thường xuyên phân công cán bộ trực theo dõi số liệu khí tượng để báo cáo hàng ngày về Ban Chỉ đạo PCCCR cấp tỉnh trong mùa nắng nóng.
Đồng thời triển khai tu sửa bản quy ước bảo vệ rừng và PCCCR tại thị trấn Thạnh Mỹ và xã Cà Dy để đưa vào sử dụng cho công tác tuyên truyền. Đến nay có tổng cộng 18 bản quy ước tuyên truyền bảo vệ rừng, cùng 3 bảng báo hiệu cấp dự báo cháy rừng được xây dựng và lắp đặt ở các tuyến đường giao thông trên địa bàn quản lý. “Nhờ triển khai thực hiện tốt công tác PCCCR nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn chúng tôi quản lý chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra” - ông Tuấn nói.