Sau hơn 8 năm, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR của Quỹ BV&PTR tỉnh Thừa Thiên Huế đã mang lại hiệu quả tích cực, huy động được nguồn lực đáng kể cho công tác quản lý, BV&PTR, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân sống gắn bó với rừng. Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, không ít cộng đồng thôn/bản trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển sinh kế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ gia đình là thành viên thuộc các ban quản lý rừng cộng đồng thôn/bản. Gần 200 tỷ đồng là tổng số tiền DVMTR mà Quỹ BV&PTR tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu/chi được trong 8 năm qua (2011-2019), chi cho các chủ rừng, bao gồm: 09 chủ rừng là tổ chức nhà nước, 04 Hạt Kiểm lâm phối hợp quản lý phần diện tích chi trả DVMTR của UBND các xã được nhà nước giao trách nhiệm quản lý và 576 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình.Tổng diện tích rừng được chi trả gần 153.000 ha rừng/283.000 ha rừng của tỉnh (chiếm hơn 54%), góp phần giữ vững độ che phủ rừng của tỉnh (trên 57%) đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm, đem lại thu nhập đáng kể cho hàng ngàn lao động vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cộng đồng thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông là một điển hình trong sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn tiền DVMTR trong công tác quản lý bảo vệ rừng gắn liền với phát triển các mô hình sinh kế. Năm 2018, Ban quan lý rừng cộng đồng thôn Dỗi được chi trả hơn 200 triệu đồng, với diện tích được nhà nước giao quản lý bảo vệ 689 ha (từ năm 2011). Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, bên cạnh hỗ trợ cho công tác quản lý, chi cho mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác tuần tra rừng, Ban quản lý còn trích ra một phần nhỏ kinh phí để cho 16 hộ thành viên vay vốn, với tổng số tiền 32 triệu đồng theo hình thức quay vòng để xây dựng các mô hình sinh kế như chăn nuôi gà, chăn nuôi cá, trồng tre lấy măng, trồng mây dưới tán rừng tự nhiên và dọc khe suối không chỉ chống tình trạng sạt lở khi mùa mưa lũ đến mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập tăng thêm cho các hộ gia đình.
Với hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi được tiếp cận vốn vay từ nguồn chính sách chi trả DVMTR với số tiền 2 triệu đồng, cùng với nguồn vốn tự có của gia đình, anh Trần Văn Pháo, thành viên của Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Dỗi đã mua gà giống, thức ăn để xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt. Từ 15 con gà giống đến nay đàn gà của anh đã phát triển lên 70 con, mỗi năm xuất chuồng 3 lứa, mỗi lứa trung bình từ 15-20 con, trừ chi phí cho thu nhập từ 15-20 triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu không hề nhỏ đối với các hộ đồng bào dân tộc vốn điều kiện còn nhiều khó khăn ở huyện miền núi này.
Mô hình chăn nuôi gà từ tiền DVMTR
Anh Trần Văn Biên Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Dỗi, xã Thượng Lộ đã chia sẻ: Sau 4 năm triển khai mô hình phát triển sinh kế, đến nay Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Dỗi đã trồng được 21.000 cây mây, 500 gốc tre lấy măng, 2000 cây lồ Ô và 500 cây mít dưới tán rừng tự nhiên. Việc họp bàn kế hoạch kết hợp giữa tuần tra bảo vệ rừng, chăm sóc vườn rừng và làm giàu rừng đã trở thành hoạt động luân phiên hàng tháng của các tổ nhóm theo sự phân công của Ban quản lý. Các thành viên trong cộng đồng chăm sóc rừng mây, khai thác lâm sản phụ. Điều này không chỉ giúp cho các thành viên trong Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Dỗi gắn bó với rừng hơn mà còn làm đa dạng hệ sinh thái, chất lượng rừng ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy, đã ngăn chặn kịp thời các hành vi có dấu hiệu xâm phạm tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng. Đây là điều mà không phải cộng đồng nào cũng thực hiện được.
Tại Ban quản lý rừng cộng đồng A Tin, xã Thượng Nhật, bên cạnh việc tổ chức bình xét, thống nhất hộ thành viên nào được vay vốn, Ban quản lý còn đưa ra ý kiến thảo luận về định mức cho vay như thế nào là hợp lý để phát huy hiệu quả nguồn vốn từ chính sách chi trả DVMTR trong xây dựng, phát triển các mô hình sinh kế.
Anh Ta Rương Đại và Trần Văn Đát là hai hộ thành viên được vay vốn phát triển sinh kế trong năm 2018, với số tiền 5 triệu đồng/hộ. Với số tiền được hỗ trợ, đầu năm 2018, anh Trần Văn Đát đã tính ngay đến chuyện mua cây giống lâm nghiệp và phân bón để trồng rừng kinh tế. Đến nay, anh đã trồng được hơn 01 ha rừng keo, với gần 3.000 cây. Theo chu kỳ phát triển của cây keo thì sau 5 năm trồng mới có thể đưa vào khai thác, khi đó gia đình mới có nguồn thu. Tuy nhiên, với hình thức cho vay quay vòng, trong thời hạn một năm anh Đát cũng đã tính đến phương án bảo toàn và hoàn trả vốn vay cho các hộ thành viên trong năm tới. Cộng đồng thôn A Tin, xã Thượng Nhật được nhà nước giao gần 290 ha rừng tự nhiên, với số thành viên tham gia quản lý là 90 hộ. Hằng năm được chi trả tiền DVMTR hơn 100 triệu đồng. Trong những năm qua, cùng với việc phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn triển khai hiệu quả công tác tuần tra, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; ứng dụng công nghệ WebGIS kết hợp với máy tính bảng/Smartphone để kiểm tra giám sát công tác tuần tra rừng, bước đầu mang lại thành công lớn, Ban quản lý rừng cộng đồng thôn A Tin còn giám sát chặt chẽ việc sử dụng tiền DVMTR có đúng mục đích hay không, nhất là nguồn vốn vay phát triển sinh kế.
Với diện tích rừng được Nhà nước giao quản gần 1.500 ha, hằng năm 16 nhóm hộ tại xã Hồng Thượng được chi trả tiền DVMTR hơn 735 triệu đồng, trong đó có 5/16 nhóm hộ đã thống nhất và quyết định trích một phần tiền DVMTR để cho các hộ thành viên vay vốn phát triển sinh kế. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm có nhóm trích ra 30 triệu đồng để cho 3 hộ vay theo hình thức quay vòng hằng năm. Đến nay, đã có 9 hộ được vay vốn và xây dựng thành công các mô hình chăn nuôi. Điển hình nhóm hộ anh Hồ Văn Khươi (gồm 14 thành viên) bảo vệ 137 ha rừng, với số tiền DVMTR được chi trả hằng năm trên 67 triệu đồng, trên cơ sở thành công từ những mô hình sinh kế của các nhóm trong xã, năm 2018 anh Hồ Văn Khươi đã bàn bạc, thống nhất trích 10 triệu đồng để cho 2 hộ vay, với mức vay 5 triệu đồng/hộ để cùng với nguồn vốn gia đình mua bò giống để chăn nuôi.
Theo ông Đỗ Đình Khang, Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Tân Mỹ, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, cộng đồng thôn Tân Mỹ được giao quản lý, bảo vệ gần 560 ha rừng tự nhiên. Để sử dụng nguồn tiền DVMTR hiệu quả, thôn Tân Mỹ đã xây dựng mô hình quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR cho bảo vệ, phát triển rừng và phát triển sinh kế cộng đồng. Từ năm 2014 đến nay, cộng đồng được hưởng gần 700 triệu đồng từ chính sách DVMTR. Với mô hình này, nguồn tiền chi trả được thực hiện công khai, minh bạch; cộng đồng đã dành 70% kinh phí cho tuần tra, tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng. Số còn lại Ban quản lý cộng đồng thôn Tân Mỹ tiến hành trích 30% trong nguồn chi trả DVMTR của tỉnh cấp đểphát triển sinh kế cộng đồng và hỗ trợ, cho vay phát triển sinh kế cho 12 hộ gia đình là thành viên trong cộng đồng để phát triển kinh tế như: Nuôi gà, nuôi heo, mở quán ăn sáng và mua dụng cụ, phụ tùng làm xưởng cưa… Ông Đỗ Đình Khang đánh giá, mặc dù quy mô vốn thực hiện phát triển sinh kế bước đầu còn hạn hẹp, số hộ thành viên được vay còn ít nhưng bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo mối gắn kết giữa Ban quản lý và thành viên cộng đồng. Đây cũng là điều kiện tạo động lực, hài hòa giữa lợi ích trong công tác quản lý, bảo vệ rừng với đời sống thành viên cộng đồng.
Số vụ lấn chiếm đất rừng, phá rừng giảm hẳn. Từ tính khả thi của việc cho vay phát triển sinh kế, Ban quản lý sẽ tiếp tục mở rộng quy mô về vốn vay với mục đích sử dụng cho việc hỗ trợ chăn nuôi bò, cải tạo vườn tạp bằng giống hồ tiêu, cam V2, bưởi da xanh...Các thành viên trong thôn thường xuyên được thăm hỏi, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển sinh kế. Vì vậy, nhiều năm qua, rừng được giao cho cộng đồng thôn Tân Mỹ quản lý không bị khai thác, xâm lấn trái phép. Bên cạnh đó, các thành viên trong cộng đồng cũng đã trồng thêm 58 ha rừng kinh tế và phát triển 14 ha thảo dược dưới tán rừng. Đây là cơ hội để làm giàu rừng và cải thiện thu nhập cho các thành viên trong cộng đồng. Ông Đỗ Đình Khang, Trưởng cộng đồng quản lý bảo vệ rừng thôn Tân Mỹ cho hay, số tiền tuy không lớn, trung bình mức cho vay 3 đến 5 triệu đồng/hộ trong thời hạn 1 năm với lãi suất thấp 0,6% nhưng đây cũng là động lực để các hộ thành viên tích cực quan tâm đến nhiệm vụ giữ rừng.
Mô hình trồng tre lấy măng từ tiền DVMTR
Trên đây là một số chủ rừng điển hình được vay vốn làm sinh kế từ nguồn DVMTR trong số 576 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR. Từ nguồn vốn chính sách DVMTR, ngoài việc sử dụng tiền chi trả chủ yếu để chi hỗ trợ tuần tra, canh gác bảo vệ rừng (chiếm hơn 65%) với mức chi phổ biến từ 100.000 - 200.000đ/ngày công, thì có không ít cộng đồng đã họp bàn thống nhất trích một phần tiền chi trả DVMTR để cho vay vốn phát triển sinh kế hộ gia đình như: cộng đồng thôn Tân Mỹ, (huyện Phong Điền), cộng đồng thôn Tà Rá- Mú Nú, xã Hương Nguyên, cộng đồng thôn 3 xã Hồng Kim, cộng đồng thôn 3 xã Hồng Thượng, (huyện A Lưới)...Nguồn vốn cho vay, chủ yếu để các hộ gia đình mua con giống phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, kiên cố hóa chuồng trại chăn nuôi gia súc, cây giống lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế. Điều này không chỉ góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho các thành viên trong cộng đồng mà còn thể hiện vai trò, ý nghĩa nhân văn và tính đúng đắn của chính sách chi trả DVMTR.
Ông Trần Quốc Cảnh – Phó Giám đốc Quỹ BV&PTR tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề cập một số giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát tiền chi trả DVMTR trong thời gian tới, trong đó có việc cho vay phát triển sinh kế. Ông Cảnh cho biết, trên thực tế, ngoài nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác BV&PTR cho các tổ chức, cộng đồng và cá nhân, nguồn tiền DVMTR còn góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ gia đình là đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đến nay, toàn tỉnh có gần 5.000 hộ gia đình ở miền núi được thụ hưởng tiền DVMTR. Điều này cho thấy, các cộng đồng, nhóm hộ thôn/bản đã bắt đầu phát huy hiệu quả được nguồn tài chính này thông qua các mô hình phát triển sinh kế nâng cao thu nhập, để từ đó có điều kiện và trách nhiệm với công tác quản lý bảo vệ rừng hơn.
Theo ông Trần Quốc Cảnh, từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, công tác tuần tra, kiểm soát rừng được tăng cường, số vụ vi phạm lâm luật, diện tích rừng bị thiệt hại giảm đáng kể. Nhiều mô hình phát triển sinh kế, quản lý bảo vệ rừng được hình thành và hoạt động rất hiệu quả. Chính sách chi trả DVMTR ra đời không chỉ tạo cơ hội gắn kết giữa các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng cư dân thôn bản với chính quyền và tổ chức nhà nước về lâm nghiệp, các đơn vị sử dụng DVMTR mà còn góp phần nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng và cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân đang thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Buổi sinh hoạt thường kỳ giữa các hộ được sử dụng tiền DVMTR để phát triển sinh kế quay vòng