Tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 120.000 ha cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) chiếm trên 42% diện tích rừng toàn tỉnh, nằm trên địa bàn 45 xã của 6 huyện gồm 06 lưu vực với trên 511 chủ rừng trong đó chỉ có 9 chủ rừng là tổ chức nhà nước còn lại là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình. Đặc biệt đối tượng rừng được chi trả trên địa bàn tỉnh có cả rừng tự nhiên và rừng trồng. Vì vậy công tác quản lý hiện trạng và chủ rừng đúng thực tế là công việc khó khăn, vất vả.
Với những khó khăn trên ngay từ khi lập hồ sơ rà soát hiện trạng và chủ rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã ứng dụng cộng nghệ GIS vào công tác rà soát hiện trạng chủ rừng, chính vì vậy ngoài kết quả rà soát hồ sơ chặt chẽ, Quỹ còn có hệ thống bản đồ rà soát hiện trạng và chủ rừng đầy đủ các thông tin về lô rừng: Huyện, xã, chủ sử dụng rừng, chủ quản lý, tiểu khu, khoảnh, lô, hiện trạng rừng, chức năng rừng, nguồn gốc hình thành rừng, số chứng minh nhân dân của chủ rừng, số hiệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,… Với số liệu đầu vào khá tốt, hằng năm Quỹ ứng dụng ảnh viễn thám để phục vụ công tác cập nhật hiện trạng đúng theo thực tế giúp công tác chi trả được chính xác minh bạch và thuận lợi.
Tại Mục b, Khoản 5, Điều 2 Thông tư 20/2012/TT-BNNPTNT quy định: “Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn: Trong trường hợp thực hiện nghiệm thu, kiểm tra 100% diện tích rừng cung ứng DVMTR của chủ rừng, đối chiếu với hồ sơ về hiện trạng khu rừng, xác định tỷ lệ thực hiện bằng mục trắc hoặc đo đạc trực tiếp”, với quy định này thì toàn bộ diện tích rừng cung ứng DVMTR của cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình với hơn 23.000 ha của 502 chủ rừng phải kiểm tra 100% có thể nói là rất khó thực hiện. Vì vậy Quỹ đã chủ động sử dụng ảnh viễn thám, giải đoán chỉ ra các vị trí có thay đổi hiện trạng chuyển về các Hạt Kiểm lâm phục vụ công tác nghiệm thu.
Qua kết quả rà soát ảnh viễn thám đã giúp các Hạt Kiểm lâm Nam Đông, A Lưới và Phong Điền thực hiện thuận lợi hơn, giảm chi phí, công sức trong công tác phúc tra nghiệm thu diện tích cung ứng DVMTR của các chủ rừng là cộng đông, nhóm hộ, hộ gia đình, kết quả năm 2016 đã không chi trả 63,33 ha rừng của 36 hộ gia đình với số tiền 29.398.000 do rừng trồng đã khai thác và 70,33 ha rừng của 31 cộng đông, nhóm hộ tại huyện A Lưới, Phong Điền và Nam Đông với số tiền 17.081.500 đồng do chuyển đổi mực đích sử dụng khác nên không đủ điều kiện lập hồ sơ chi trả.
Kế hoạch thời gian đến Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong công tác quản lý bảo vệ rừng cung ứng DVMTR để giúp công tác quản lý bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả hơn, công tác chi trả DVMTR ngày càng chính xác, giảm chi phí, thời gian, công bằng và minh bạch hơn.
http://huefpdf.org/vi/articles/detail/80-Ung-dung-cong-nghe-GIS-va-vien-tham-trong-cong-tac-quan-ly-rung-cung-ung-dich-vu-moi-truong-rung