Lào Cai là một trong những địa phương đầu tiên triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với hoạt động kinh doanh du lịch tại Quyết định số 1938/QĐ-UBND ngày 03/8/2012 quy định tạm thời mức thu tiền DVMTR đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai, thực tế cho thấy việc thực hiện chính sách DVMTR đối với dịch vụ du lịch tại Lào Cai gặp nhiều vướng mắc, khó khăn đặc biệt là về đối tượng thu và mức thu tiền DVMTR.
Trong năm 2016, với sự hỗ trợ của dự án “Tăng cường thực thi chính sách chi trả DVMTR tại Việt Nam”, nhóm tư vấn đã xây dựng nghiên cứu xác định cơ sở khoa học, tư vấn cho UBND tỉnh Lào Cai xây dựng cơ chế chi trả DVMTR đối với họat động du lịch tại địa phương. Sau nhiều lần tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến và sự đồng thuận các bên liên quan, ngày 10 tháng 3 năm 2017, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND quy định mức thu, quản lý và sử dụng tiền DVMTR đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ DVMTR trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Quyết định này thay thế cho 02 Quyết định liên quan trước đó).
Theo đó, đối tượng phải chi trả DVMTR gốm các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có dịch vụ bán vé tham quan vào các khu du lịch, dịch vụ lưu trú nằm trong khu vực thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức thu tiền DVMTR là 1,0% doanh thu của các tổ chức, cá nhân này sau khi đã trừ dịch vụ ăn uống, tiền sử dụng nước sinh hoạt. Trong trường hợp không thể bóc tách các khoản được trừ thì được tính gộp các khoản được trừ là 50% của doanh thu dịch vụ lưu trú. Mức thu này được áp dụng từ ngày 27/3/2017.
Về việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh được phép trích 10% tổng số tiền nhận ủy thác để chi cho hoạt động quản lý theo qui định tại các Thông tư hướng dẫn liên quan. Còn 90% số tiền nhận ủy thác được sử dụng để phục vụ các chương trình, dự án hoặc phi dự án do UBND tỉnh phê duyệt như: Hỗ trợ các dự án trồng rừng, trồng rừng cảnh quan; Hỗ trợ kinh phí chống chặt phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng; Hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, thử nghiệm và phổ biến nhân rộng mô hình bảo vệ và phát triển rừng, ứng dụng cây lâm nghiệp mới; Hỗ trợ quảng bá xúc tiến du lịch và các hoạt động liên quan đến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực cho công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Trường hợp các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch và các bên liên quan thực hiện không nghiêm túc chính sách chi trả DVMTR thì bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 40/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 quy định xử phạt hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ và quản lý lâm sản và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Việc ban hành Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND đã góp phần tháo gỡ nhiều bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai trước đó, theo Kế hoạch tài chính chi trả DVMTR giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Lào Cai thì nguồn thu tiền DVMTR từ các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch khi áp dụng mức thu mới trong năm 2017 ước đạt 5 tỷ đồng và đến năm 2020 ước đạt khoảng 8,8 tỷ đồng. Đây là cơ sở rất quan trọng góp phần gia tăng nguồn thu tiền DVMTR qua các năm cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai - địa phương có tiềm năng rất lớn về du lịch. Đồng thời đây cũng là kết quả ban đầu để có thể tiếp tục triển khai được nhiều DVMTR đối với hoạt động kinh doanh du lịch tại nhiều địa phương trong cả nước hơn nữa.