Đã có những vụ lũ bão, lở đất gây sập nhà dân. Nương rẫy còn gây một mối hại lớn hơn là tạo một thói quen sản xuất thiếu tính bền vững, hình thành tư duy tự sản tự tiêu, lối tư duy của sản xuất nhỏ dường như đã bịt chặt mọi cánh cửa làm giàu của người dân. Ngay sau khi UBND tỉnh có Quyết định số 2204/ QĐ-UB ngày 5/11/2009, về trồng rừng thay thế nương rẫy, Hạt Kiểm lâm Văn Quan đã nhận thức đây là một hướng đi mới để người dân thoát nghèo, bảo vệ rừng, biết quý rừng và hình thành tư duy sản xuất nghề rừng. Từ đó Hạt đã cử cán bộ xuống các địa bàn thống kê diện tích nương rẫy, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân. Cái khó nhất ở huyện là diện tích đất canh tác ít, người dân trông vào nương rẫy, lấy đó làm một phần đất canh tác. Tuy nhiên, nương rẫy chỉ được làm 1 vụ sau đó bỏ vài năm, khi thực bì đã dầy người dân lại quay trở lại làm nương. Việc làm nương ở Văn Quan qua nhiều đời, vắt kiệt độ phì của đất, năng suất càng kém thì người dân càng ra sức tìm đến những khu vực rừng đầu nguồn, phòng hộ làm độ che phủ rừng liên tục bị giảm. Qua tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của dân, hầu hết các hộ dân sau khi được tuyên truyền đã ủng hộ chủ trương trồng rừng thay thế nương rẫy, người dân sẵn sàng nhận cây, nhận hỗ trợ gạo để chuyển sản xuất sang trồng rừng. Lúc này mô hình nông lâm ở các xã có diện tích nương rẫy lớn mới phát huy được hiệu quả như Vĩnh Lại, Hoà Bình, Đồng Giáp...Theo thống kê, toàn huyện Văn Quan có trên 200 ha đất nương rẫy phải chuyển đổi với hàng trăm hộ dân tham gia trồng rừng. Kiểm lâm huyện đã vận động người dân cuốc hố, dọn thực bì được trên 100 ha đất nương rẫy, ở giai đoạn 1, đã cấp 101.584 cây keo, 21.368 cây thông cho nhân dân trồng. Anh Hoàng Văn Huyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết, đây là một dự án mang tính kinh tế xã hội cao nên chỉ đạo của Hạt là, cán bộ phải làm tốt khâu tuyên truyền về lợi ích của dự án, hướng dẫn kỹ thuật và chọn thời điểm để triển khai. Với Văn Quan, thành công hay không là làm chuyển biến nhận thức của dân và hiện nay nhận thức ấy đã chuyển, đây là tín hiệu thành công của dự án. Theo mục tiêu của dự án, đối với rừng sản xuất sẽ kết thúc vào năm 2015, dự án rừng phòng hộ sẽ kéo dài đến năm 2018. Khi không còn trợ cấp gạo và kinh phí cho trồng rừng đất nương rẫy người dân có thể sống được bằng thu hoạch từ những sản phẩm phụ, cắt, tỉa thưa để mang lại thu nhập từ nghề rừng. Chị Linh Thị Toàn, người dân xã Đồng Giáp phấn khởi cho biết, ở quê chị làm nương rẫy hết sức khó khăn, qua mỗi vụ thu hoạch không đáng là bao, dự án trồng rừng thay thế nương rẫy sẽ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, vì vậy chị rất yên tâm khi thực hiện dự án.
Ngay trong những ngày này, khi dự án trồng rừng thay thế nương rẫy mới được triển khai nhưng hầu hết các khu vực nương rẫy khảo sát đã được người dân triển khai trồng thông, keo. Đám nương rẫy bạc phếch trước kia đã được thay thế dần bằng những vạt rừng trồng mới. Một không khí mới đang về trên những cánh rừng Văn Quan.