I. Tỉnh Quảng Trị có tổng diện tích tự nhiên hơn 473 ngàn ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp, kể cả diện tích có rừng chiếm gần 300 ngàn ha. Vì vậy, lâm nghiệp chiếm một vị trí rất quan trọng về tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên, trước đây ngành lâm nghiệp chỉ có khối lượng sản phẩm gỗ thô từ khai thác rừng tự nhiên, rừng trồng giá trị thấp, hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên chưa cao.
Trước thực trạng trên, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng Đề án tái cơ cấu (TCC) ngành nông nghiệp với định hướng tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH- HĐH nhằm phát huy lợi thế tiềm năng tài nguyên đất đai và nguồn lực lao động địa phương.
Đặc biệt, lĩnh vực lâm nghiệp được xác định TCC theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tập trung vào ba nội dung chính để từng bước thay đổi toàn diện kết cấu của ngành theo hướng hội nhập, phát triển sâu rộng trên thị trường quốc tế.
Một là thị trường đầu ra với giá cả hợp lý luôn là yếu tố hàng đầu trong tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp, là động lực thúc đẩy lâm nghiệp phát triển.
Vì vậy, phải phân tích được lợi thế cạnh tranh và phân khúc thị trường tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp ngoài thị trường nội địa với những quốc gia, khu vực đang sản xuất cùng một hàng hóa như mình.
Trong vấn đề thị trường, muốn giúp nông dân bán được sản phẩm thì DN phải đi đầu. Giúp người dân để không phải bán sản phẩm gỗ rừng và lâm đặc sản từ rừng qua trung gian trong nước và quốc tế mà phải tham gia ký kết ổn định vào chuỗi thị trường phân phối quốc tế.
Phải luôn chủ động cập nhật đầy đủ thông tin về giá cả thị trường, hướng dẫn DN, nhóm hộ trồng rừng tham gia đàm phán, liên kết với các hiệp hội, ngành hàng tạo thế đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tất cả các sản phẩm xuất khẩu phải có chứng chỉ FSC quản lý rừng bền vững. Bền vững về kinh tế, bền vững xã hội, bền vững môi trường.
Hai là phải quyết liệt hơn nữa việc ứng dụng khoa học- công nghệ(KHCN) vào sản xuất. Những thay đổi về quản lý, KHCN và mở cửa thị trường cần tiến hành ngay bằng việc làm cụ thể.
Với KHCN cần tạo ra tập đoàn giống cây trồng có chất lượng cao phục vụ trồng rừng gỗ lớn, năng suất hơn 200 m3 gỗ/ha, như các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan.
Thay đổi hệ thống máy móc lạc hậu, khuyến khích DN chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, chế biến chuyên sâu sản phẩm từ gỗ chất lượng cao, tiết kiệm tối đa nguồn nguyên liệu, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho những người làm nghề rừng.
Ba là phải thay đổi về tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ sang liên kết. Đã TCC là thay đổi toàn diện về kết cấu, có nghĩa là thay đổi căn bản về bản chất của ngành lâm nghiệp. Từ thụ động, mạnh ai nấy làm, trồng rừng manh mún theo kiểu truyền thống, suất đầu tư thấp, chuyển sang trồng rừng công nghệ cao, liên doanh liên kết.
Trồng rừng theo các nhóm hộ, HTX, các C ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng đều tuân thủ theo quy hoạch, đầu tư thâm canh từ khâu làm đất, ươm tạo cây giống, bảo vệ phòng chống thiên tai dịch bệnh. Rút ngắn chu kỳ kinh doanh, đưa năng suất chất lượng tăng cao.
Nhờ vậy mà ngành lâm nghiệp tạo được thế đứng vững chắc, thu hút ngày càng nhiều hộ gia đình tham gia đăng ký nhận đất, khoán rừng. Những người làm lâm nghiệp đã có thu nhập cao, lợi nhuận của chu kỳ trồng rừng được tăng lên đáng kể.
Vì vậy, vấn đề cốt lõi là ngành lâm nghiệp phải chuyển từ sản xuất sản lượng nhiều sang giá trị chất lượng cao. Không chỉ sản xuất các mặt hàng ta có thể làm được mà chọn các mặt hàng thế giới cần nhất.
Không phải làm cái dễ nhất mà là làm cái mình có lợi thế cạnh tranh nhất. Sự thắng lợi của NM ván gỗ MDF VRG Quảng Trị về xuất khẩu gỗ ván ép ra thị trường thế giới là một ví dụ điển hình cho cách TCC lâm nghiệp đúng hướng nhất tại Quảng Trị.
Trong ba nội dung này không thể một sớm một chiều là làm được, không phải một mình Nhà nước, không chỉ riêng ngành lâm nghiệp, mà cần tới sự vào cuộc của toàn dân, toàn xã hội cùng quyết tâm cao.
II. Nhờ có được cơ sở khoa học và mạnh dạn áp dụng chuyển đổi, tận dụng tối đa mọi nguồn lực nên khi bắt tay vào TCC lâm nghiệp, Quảng Trị đã đi rất đúng hướng và đạt kết quả quan trọng, đã tạo được chuyển biến rõ rệt, tăng trưởng của ngành ngày càng vững chắc.
Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh cũng như sự vào cuộc của các sở, ban ngành và chính quyền địa phương luôn bám sát định hướng đóng góp quan trọng đối với vấn đề TCC lâm nghiệp tại Quảng Trị.
Điểm nhấn tạo đột phá trong TCC lâm nghiệp ở Quảng Trị là ưu tiên phát triển rừng được cấp chứng chỉ bền vững FSC để xuất khẩu, mà thị trường thế giới đang rất quan tâm.
Quảng Trị luôn quan tâm phát triển lâm nghiệp. Từ khi mới tái lập tỉnh năm 1989, độ che phủ của rừng chỉ đạt 19%, đến nay sau 26 năm đã lên đến 50%, bình quân mỗi năm tăng lên 1 đến 2%, cao hơn trung bình của cả nước.
Công tác bảo vệ và phát triển rừng ngày càng đi vào chiều sâu và nâng cao chất lượng. Quảng Trị tập trung thực hiện đổi mới các lâm trường quốc doanh theo tinh thần NQ 28 của Bộ Chính trị và NĐ 200 của Thủ tướng Chính phủ.
Rà soát quy hoạch và ban hành Nghị quyết về 3 loại rừng phù hợp với từng vùng, thành lập các BQL rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, chuyển đổi các lâm trường quốc doanh sang các Cty lâm nghiệp làm ăn hiệu quả.
Bức tranh lâm nghiệp Quảng Trị đã hình thành rõ với 3 loại rừng, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Đặc biệt mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất kết hợp phòng hộ để phát triển KT-XH.
Các Cty lâm nghiệp và hộ gia đình hoặc nhóm hộ được giao đất sản xuất đã mạnh dạn đầu tư vốn trồng rừng. Từ chỗ rừng đơn thuần XĐGN, qua công tác khuyến nông và tuyên truyền vận động, người dân đã ý thức cao trong việc gắn phát triển sản xuất ,kinh doanh với quản lý rừng bền vững nhằm tạo ra sản phẩm rừng có giá trị kinh tế cao.
Phát triển lâm nghiệp với các khâu trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến, tiêu thụ xuất khẩu góp phần nâng cao giá trị và chất lượng nghề rừng có nghĩa là nâng cao giá trị SXNN, tạo thêm việc làm cho nông dân, giải quyết được vấn đề xã hội, từ đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Ba yếu tố này tác động tương hỗ lẫn nhau, khi giá trị kinh tế được tăng lên, chất lượng đời sống người nông dân được cải thiện, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mô hình quản lý gắn kết rừng bền vững cấp chứng chỉ FSC được Quảng Trị khuyến khích các nhóm hộ gia đình và các Cty lâm nghiệp chủ động xây dựng, và Quảng Trị được WWF đánh giá là địa phương tiên phong của Việt Nam.
Trở lại vấn đề rừng FSC, nhờ sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật và đào tạo tập huấn của WWF Việt Nam, SNV và các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, năm 2007, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo ngành lâm nghiệp tỉnh triển khai thực hiện mô hình quản lý rừng bền vững để cấp chứng chỉ FSC cho nhóm hộ gia đình nông dân đã tham gia dự án trồng rừng Việt- Đức tại địa bàn 2 xã Trung Sơn và Vĩnh Thuỷ thuộc các huyện Gio Linh và Vĩnh Linh.
Đến năm 2010, toàn bộ diện tích được đánh giá lần đầu tiên được tổ chức quốc tế GFA cấp chứng chỉ thời hạn 5 năm cho 118 hộ gia đình thuộc 5 thôn của hai xã trên. Cty Lâm nghiệp Bến Hải cũng được cấp chứng chỉ gần 10 ngàn ha. Đây là mô hình quản lý rừng bền vững đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ FSC.
Tiếp đó, dự án tiếp tục được mở rộng đến nhiều địa phương với 17 nhóm hộ của 8 xã tham gia. Vào đầu tháng 7/2012, những nhóm hộ có chứng chỉ rừng FSC tại Quảng Trị đã được lập hội và tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất.
Mới đây, Cty lâm nghiệp Đường 9 có hơn 5 ngàn ha rừng cũng được tổ chức quốc tế GFA đánh giá và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Hiện tại Quảng Trị có hơn 20 ngàn ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành lâm nghiệp xây dựng phương án, phấn đấu đến năm 2020 đạt 100 ngàn ha rừng FSC để tham gia thị trường các bon tự nguyện.
Rừng FSC có lợi thế hơn rất nhiều so với các loại rừng trồng theo cách làm truyền thống. Ngoài việc đem đến nhiều lợi ích từ cải tạo môi trường, sinh thái bảo vệ đất, tăng thu nhập (rừng có chứng chỉ FSC giá gỗ bán cao hơn rừng không chứng chỉ từ 30 đến 50%), cải thiện đời sống cho nông dân trồng rừng, thì nhìn một tầm xa hơn, rừng FSC phù hợp với chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, đến năm 2020 phải có 30% rừng trồng được cấp FSC. Khi rừng có chứng chỉ sẽ được xuất khẩu sang các thị trường đã có đạo luật Lacey và luật Flegt như Mỹ, Châu Âu... góp phần đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ trên cả nước và góp phần vào việc GDP tăng trưởng cao.
Hiện nay tỉnh Quảng Trị tập trung chỉ đạo ngành lâm nghiệp trồng mới mỗi năm từ 6 đến 7 ngàn ha rừng sản xuất và 1 ngàn ha rừng phòng hộ. Theo tính toán mỗi năm sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng Quảng Trị đạt hơn 500 ngàn m3, cung cấp đủ nguyên liệu cho các NM chế biến gỗ xuất khẩu.
III. Thực tế cho thấy tỉnh Quảng Trị đã trở thành mô hình điểm của cả nước về phát triển bền vững rừng FSC cũng như TCC lâm nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình TCC lâm nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc cần được giải quyết bằng chính sách vĩ mô. Làm được điều này không chỉ giúp riêng cho Quảng Trị, mà còn giúp cho các địa phương khác trong cả nước đẩy nhanh quá trình TCC lâm nghiệp đạt kết quả tốt hơn nữa.
Thứ nhất, hiện tại trồng rừng FSC đòi hỏi có chu kỳ từ 9 đến 10 năm, rừng gỗ lớn 15 năm, trong khi đó trồng rừng truyền thống bán gỗ dăm chu kỳ chỉ cần 5 đến 6 năm.
Người trồng rừng đa số đang khó khăn về kinh tế nên có tình trạng lúc đầu hăng hái tham gia vào nhóm chứng chỉ rừng bền vững nhưng sau đó họ xin rút lui để khai thác rừng non bán cho băm dăm nguyên liệu gỗ giấy lấy tiền giải quyết nhu cầu bức thiết của gia đình.
Cùng với đó, chi phí thuê chuyên gia tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ định kỳ hàng năm khá cao nên các hộ gia đình gặp khó khăn về kinh phí.
Trong lúc đó người dân khó tiếp cận các ngân hàng thương mại, chính sách vay vốn trồng rừng. Vì vậy, đề nghị Nhà nước cần có chính sách bảo lãnh tín dụng cho người trồng rừng FSC để họ có thêm điều kiện trồng rừng bền vững.
Thú hai, là thị trường giống cây phục vụ trồng rừng hiện nay chủ yếu là cây keo, nghèo về chủng loại và chất lượng. Vậy nên, cần đẩy mạnh ứng dụng KHCN, sớm tìm ra tập đoàn cây giống phục vụ trồng rừng có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao để sử dụng vào các chương trình trồng rừng gỗ lớn tạo nguyên liệu đa dạng cho nhu cầu thị trường chế biến gỗ xuất khẩu hiện nay.
Thứ ba, cần đẩy mạnh CPH các Cty lâm nghiệp để huy động nguồn vốn đa chủ sở hữu. Có chính sách vay vốn ưu đãi cao cho người lao động tại các Cty được mua cổ phần ưu đãi để ổn định đời sống, việc làm sau chuyển đổi.
Thứ tư, đề nghị Bộ NN-PTNT sớm ban hành bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững của Việt Nam phù hợp với quốc tế để các địa phương có cơ sở tổ chức thực hiện.
Thứ năm về chính sách, đề nghị Chính phủ sớm ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư trồng rừng, phát triển sản xuất, có chính sách phát triển công nghiệp chế biến gỗ từ rừng trồng, ưu đãi miễn thuế sử dụng đất đối với các dự án trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu, và có chính sách bảo hiểm rủi ro đối với loại hình kinh doanh này./.