Vụ cháy rừng xảy ra vào khoảng 11 giờ trưa ngày 2-7 tại địa bàn xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy). Sau khi phát hiện đám cháy bùng phát và lan rộng, người dân địa phương cùng các lực lượng cứu hộ với hơn 400 người đã nỗ lực khoanh vùng, dập lửa. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết tại Thừa Thiên - Huế những ngày qua nắng nóng, nhiệt độ cao hơn 40 độ C nên đã gây nhiều khó khăn trong việc dập tắt đám cháy. Đến khoảng 21 giờ tối 2-7, ngọn lửa mới được khống chế, dập tắt hoàn toàn.
Theo Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy, nhận tin báo của quần chúng nhân dân, các cơ quan chức năng tại thị xã Hương Thủy đã huy động gần 400 người gồm: cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 6 (đóng tại thị xã Hương Thủy), lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy của tỉnh, kiểm lâm, bảo vệ rừng, cán bộ Ban quản lý rừng đầu nguồn thị xã Hương Thủy và cùng dân quân và người dân địa phương; ba xe chữa cháy chuyên dụng và nhiều phương tiện chữa cháy khác được điều động đến hiện trường tham gia cứu chữa.
Ông Nguyễn Văn Thuận, trú tại thôn 1B (xã Thủy Phù), nhà ở gần địa điểm cháy rừng keo, cho biết: “Trưa 2-7, tôi nghe một tiếng nổ lớn ở khu vực đồi của nhà ông Bình - nơi tiêu hủy đạn dược, sau đó nghe nhiều người tri hô có lửa cháy. Khi ngọn lửa mới bùng cháy thì lực lượng rất mỏng, địa hình phức tạp cộng thêm rừng keo đã được khai thác nên nhiều lá, cành nhỏ khô, lại thêm nắng nóng nên ngọn lửa lan rộng rất nhanh, khiến những người tham gia cứu chữa thời điểm đó không kịp khống chế, dập tắt”.
Thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng cho thấy, có khoảng 120 ha rừng keo thương mại từ ba đến bốn năm tuổi của người dân bị cháy, gây thiệt hại gần sáu tỷ đồng; gần 40 hộ dân là người xã Thủy Phù có rừng bị cháy, trong đó có nhiều hộ bị cháy từ 3 đến 10 ha rừng keo.
Hầu hết diện tích rừng bị cháy đều là rừng keo thương mại theo Dự án WB3. Theo các hộ dân địa phương, để có tiền đầu tư, người dân phải vay từ 20 đến 22 triệu tiền vốn từ Ngân hàng Thế giới với lãi suất ưu đãi và trả sau khi thu hoạch. Hiện tại, nhiều hộ đang đối diện thực tế “trắng tay” khi toàn bộ diện tích rừng của họ đã bị thêu rụi.
Một hộ dân có rừng bị cháy cho biết: “Với giá keo thương mại như hiện nay, nếu đến năm sau thu hoạch, gia đình tôi sẽ thu về khoảng 200 triệu đồng, nhưng giờ thì coi như trắng tay. Theo một người làm nghề buôn bán keo, số ha rừng keo bị thiệt hại bây giờ giỏi lắm bán được 10 đến 25 triệu/ha, tùy địa hình, vị trí rừng”.
Tại hiện trường, nhiều người chứng kiến một vùng rừng rộng lớn, kéo dài qua nhiều quả đồi bị cháy gây thiệt hại về kinh tế rất lớn cho nhân dân địa phương. Điều đặc biệt, vụ cháy lây lan đến tận chân các cột điện thuộc đường dây cao thế 500 KV bắc - nam, gây nguy hiểm cho việc cung cấp nguồn điện quốc gia.
Ngay trong sáng nay, 3-7, đông đảo cán bộ thuộc Hạt kiểm lâm thị xã Hương Thủy, Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn thị xã Hương Thủy cùng cán bộ xã Thủy Phù đến hiện trường kiểm tra, đo đạc, thống kê diện tích rừng keo bị thiệt hại.
Tại khu vực miền trung nói chung và Thừa Thiên - Huế nói riêng hiện đang là thời điểm nắng nóng gay gắt, nhiệt độ những ngày qua lên đến 40, 41 độ C, có thể gây cháy rừng ở mức độ huy hiểm cao. Theo Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế, mọi người dân cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng lửa, cũng như chú trọng công tác phòng chống cháy rừng để không xảy ra những vụ cháy rừng tương tự.