Men theo một cái hồ rộng, nước trong xanh, qua mấy tán cây um tùm, chúng tôi đến căn nhà sàn nằm giữa thung lũng hẹp, chung quanh là vườn cây trái xum xuê. Những cây đào trĩu quả đang ửng hồng, xa hơn là vải, mít và nhiều cây trồng khác; dưới hồ, đàn vịt trời tung tăng bơi lội; trong hàng rào lưới sắt B40, vài con lợn rừng thi nhau đào bới kiếm ăn. Từ sau hàng cây, một ông già da dẻ hồng hào, quắc thước bước ra đón khách. Ông chính là Nguyễn Minh Phiên, người được bà con trong vùng trìu mến gọi là “vua rừng”.
Dù đã ngoài tuổi 70, ông Phiên còn săn chắc lắm. Ông là chủ cánh rừng rộng hơn 100 ha. Nhìn những cánh rừng xanh chạy mãi vào khe núi trùng điệp, mấy ai biết nỗi truân chuyên của “vua rừng” những ngày đầu. Hơn hai mươi năm trước, vợ chồng ông Phiên khấp khểnh vào Quân Sơn, nhận khoán lại 7 ha rừng. Gọi là rừng cho sang, thực ra nơi đây khi ấy chỉ toàn đồi trọc, lơ thơ vài cây bạch đàn, bụi gai và vết cháy nham nhở. Nơi ở của người chủ đất ông Phiên đến hỏi mua là một căn nhà lợp tranh, tường đất tạm bợ giữa lưng chừng đồi. Trưa, bà vợ ông chủ nhà dọn cơm, họ chậm rãi uống từng ngụm rượu nhắm với tôm suối, bát canh rau rừng, bàn chuyện sang tên, đổi chủ. Trời nắng như đổ lửa, những khoảnh đồi trụi thùi lụi như trêu ngươi, thi thoảng phả đến một ngọn gió bỏng rát. Ông chủ nhà sợ khách nóng, hoặc có thể sợ khách chê mà bỏ dở cuộc bàn thảo, nên ý tứ ngồi chắn hướng gió, hướng nắng. Ấy vậy mà cuộc bàn thảo suôn sẻ ngay. Không ai đọc được trong mắt ông Phiên lúc ấy đã ngời xanh lên những cánh rừng đầy sức sống.
- Nó là cơ duyên, là định mệnh rồi. Tôi ngồi nói chuyện mà trong đầu như định hình được, chỗ này trồng gì, lấy nước ở đâu, chỗ nào có thể chăn nuôi... Chỉ bà nhà tôi thì hãi ra mặt. Thế rồi cũng chịu đấy, bà ấy hiểu và tôn trọng quyết định của tôi. Không nói nịnh chứ được như giờ, công bà ấy nhiều lắm đấy - ông Phiên giãi bày.
Cái thời đó, ai cũng đói khổ, mà đói khổ thường sinh đạo tặc. Chuyện rừng bị chặt trộm, dê, gà, chó, lợn bị bắt mất không phải hiếm. “Nếu làm rừng thì phải vào ở hẳn trong rừng, không là không giữ được đâu”, ông chủ cũ khuyên vợ chồng tôi thế, rồi xách túi đồ đi thẳng một mạch - ông Phiên kể rồi chợt cười khà khà, “giá mà bây giờ ông ấy lên đây, có khi lạc đường ấy chứ”. Cũng phải thôi, bởi vùng này trước kia do lâm trường quản lý, trồng thông và bạch đàn, chủ yếu là theo dự án chứ có hạch toán kinh tế gì đâu. Khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, người nhận một vài héc-ta, người hàng chục héc-ta, nhưng hầu hết chưa biết để làm gì, trồng cây gì.
Chỉ có thể là rừng đã chọn ông, chứ nào ai nhìn được cái tiềm năng "rừng vàng" ở những ngọn đồi trơ trọc ấy. Như cái duyên, thiên thời, địa lợi, nhân hòa, sau một thời gian ông Phiên nhận khoán lại đất rừng ở Quân Sơn, phong trào trồng rừng, phủ xanh đồi núi trọc ở địa phương phát triển, người trồng rừng được Nhà nước tạo nhiều ưu đãi. Hướng phát triển rừng của ông Phiên là kết hợp trồng rừng và làm trang trại chăn nuôi, nhằm xóa đói, giảm nghèo phù hợp chủ trương chung. Trang trại - rừng của ông phát triển nhanh, ngoài cây lâm nghiệp, ông nuôi bò nái, dê và trồng cây ăn quả, lại trồng hoa màu để giải quyết nhu cầu trước mắt. Ngoài trồng rừng công nghiệp như bạch đàn, keo, ông khoanh nuôi những cây bản địa như dẻ, lim, lát để tính kế lâu dài. Cây dẻ mang lại cho ông một khoản thu không nhỏ mỗi năm, nhờ nuôi ong và bán hạt. Nhận thấy nguồn lợi lớn từ loại cây này, ông âm thầm gom tiền, vào rừng dẻ cổ thụ giáp ranh hai xã Tam Dị và Bảo Sơn, mua lại của các chủ rừng khác. Như đàn kiến tha lâu đầy tổ, rừng của ông ngày càng được mở rộng. Đến mùa hạt, vợ chồng ông dọn sạch dưới tán, quả chín rụng xuống, gặp nắng hanh tự vỡ, chỉ cần gom, sàng sảy đóng bao, thương lái đến tận nơi thu mua. “Ấy là cách để rừng nuôi người và tự nuôi rừng” - ông Phiên tâm niệm. Một trong những kỳ tích của “vua rừng” Quân Sơn là vận động bà con địa phương tham gia bảo vệ những cánh rừng khỏi giặc lửa. Trước kia, vào mùa khô, người dân lại đốt rừng, phát quang để sang xuân có cỏ chăn gia súc và làm nương. Những việc làm tưởng bình thường đó đã từng gây ra hàng chục vụ cháy, làm thiệt hại cả trăm ha rừng trồng trên địa bàn. Chính quyền, lực lượng chức năng và các chủ rừng dù có đề phòng bằng nhiều cách, thậm chí mỗi năm hai lần làm đường băng cản lửa, cũng không tác dụng. Trăn trở mãi, ông nhận thấy bà con dân tộc quanh vùng còn nghèo quá, vì nghèo nên làm liều, nhưng nếu được giúp đỡ họ sẽ giúp lại mình, phải tìm cách giúp họ ổn định đời sống. Nghĩ là làm, vợ chồng ông đến từng hộ dân vận động, cho bà con mượn đất trồng sắn, mượn tiền mua bò, trâu không lấy lãi, còn tiền gốc thì trừ dần vào tiền công đốn tỉa rừng. Cùng các chủ rừng khác, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ông Phiên thành lập Hội Bảo vệ rừng. Hội có góp quỹ, bầu người am hiểu địa bàn vào ban lãnh đạo, lại chọn người có uy tín làm Chủ tịch Hội. Hội Bảo vệ rừng hoạt động hiệu quả, đúng như đôi câu đối treo trên hai cột chính trong phòng khách nhà ông: Cầu phúc trồng rừng, cây xanh chim thú ở/Tích đức đắp hồ, nước biếc cá tôm bơi.
Không chỉ dựa vào người dân sinh sống quanh rừng, ông Phiên và Hội Bảo vệ rừng Quân Sơn còn làm việc với nhà trường trên địa bàn, gặp các thầy, cô giáo tuyên truyền vận động học sinh cùng bảo vệ rừng. Mưa dầm thấm lâu, số trẻ em thường vào phá rừng hoặc làm ẩu xảy ra cháy rừng, đã trở thành những “kiểm lâm viên tí hon”, cùng ông bảo vệ rừng. Đổi lại, mỗi lần cắt tỉa cành, ông thường bó sẵn những bó củi, chia cho lũ trẻ gánh về. Hễ cuối tuần, lũ trẻ lại vào nhà ông, nghe ông kể chuyện, cùng ông chăm chút cho những vạt rừng non mơn mởn, những đàn gia súc hay hồ cá nên thơ. Công sức với rừng của ông đã được UBND tỉnh Bắc Giang ghi nhận và tặng hai bằng khen về “Thành tích xuất sắc trong công tác nông nghiệp và phát triển nông thôn thời kỳ đổi mới” và “Giải thưởng môi trường của tỉnh”.
Chỉ tay về những cánh rừng xanh mướt, ông Phiên bảo: Những ngày đầu khó khăn, nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Tổ chức Lương thực thế giới, tôi được cấp hai tấn gạo. Số gạo ấy đã giúp tôi thêm nghị lực quyết tâm vào rừng, mở rừng, giữ rừng, như là giữ phúc đức cho con cháu. Có cuộc sống khấm khá hơn, như ông bảo, là từ lộc của rừng. Ông dành một phần để làm việc thiện, việc nghĩa và xây dựng hạ tầng địa phương. Để có đường vào Quân Sơn, ông tự bỏ ra 120 triệu đồng mở đường để ô-tô đi được; ông cũng dành nhiều tiền của giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống...
Có hơn 100 ha rừng trong tay, ông Phiên đang trình cơ quan chức năng dự án làm hồ, làm nhà sàn hình thành khu du lịch sinh thái. Mỗi khi đến mùa, hoa của muôn loài đua nhau nở tạo thành bức tranh tuyệt đẹp, nổi bật trên nền rừng xanh ngắt. Trong đó, cây Habicus, ông đã kỳ công đem về cho bà con trồng, thu hái bán để chế rượu vang giúp nhiều hộ thoát nghèo. Ngôi nhà của ông bà cũng là nơi tụ họp của đám trẻ trong vùng dịp Trung thu này.
Ông bảo, mình sẽ không bán những cánh rừng cây bản địa, cây lâu năm hoặc có bán thì cũng theo kiểu tỉa thưa, trồng bù để mầu xanh luôn “gối” nhau, không làm trắng đất, bạc màu. Ông tâm niệm và răn dạy cháu con: Trồng rừng, giữ rừng là để đức cho mai sau. Mong ước của “vua rừng” trong thời gian tới là xây dựng vùng rừng Quân Sơn thành khu nghỉ dưỡng bình dân cho người già,...