Từ đầu tháng 9 đến nay, ngành nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đang thực hiện biện pháp kỹ thuật lâm sinh tỉa thưa cây phụ trợ ở rừng trồng phòng hộ thuộc lưu vực Sông Thạch Hãn.
Biện pháp này nhằm điều chỉnh mật độ phân bố cây rừng phù hợp tạo không gian dinh dưỡng thích hợp cho các loại cây mục đích để phát triển và trồng mới thêm rừng phòng hộ đồng thời phòng chống cháy rừng.
Theo đó, Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn, các lực lượng đã tiến hành tỉa thưa cây keo tai tượng trồng phụ trợ với các loại cây mục đích. Đây là loại cây phụ trợ phát triển nhanh mật độ dày đang ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng của 2 loại cây mục đích là sao đen và sến đã trồng theo Dự án 661 và JBIC (Ngân hàng hợp tác tác quốc tế Nhật Bản) vào năm 1999 và năm 2003.
Ông Trần Xuân Dưỡng - Giám đốc ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn cho biết: Để triển khai phương án tỉa thưa nuôi dưỡng rừng phòng hộ Ban đã cử cán bộ kỹ thuật cùng với công nhân kiểm tra chỉ đạo và giám sát theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt. Ban Quản Lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn được phép tỉa thưa 370 ha cây keo tai tượng trồng phụ trợ với cây bản địa ở 3 tiểu khu. Toàn bộ gỗ tỉa thưa và lâm sản ngoài rừng được Ban quản lý tận thu bán theo giá thị trường nộp vào ngân sách tỉnh sau khi trừ chi phí khai thác vận chuyển. Hiện nay, Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn đã tỉa thưa cây phụ trợ trên diện tích 10 ha rừng trồng phòng hộ, bình quân mỗi héc-ta cây phụ trợ được tỉa thưa đảm bảo mật độ 17% so với diện tích rừng giữ lại.
Ông Hoàng Đức Doanh, Chi Cục trưởng - Chi cục lâm nghiệp Quảng Trị cho biết: theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi rừng phòng hộ đạt độ tán che 0,6 độ trở lên thì được tỉa thưa. Nhưng để tỉa thưa rừng phòng hộ thì các chủ rừng phải có hồ sơ thiết kế cụ thể và tăng cường các biện pháp giám sát từng công đoạn đảm bảo cây phân bố đồng đều. Về mặt quản lý chủ rừng phải tăng cường biện pháp kiểm tra giám sát tránh tình trạng chặt những cây lớn phá vỡ kết cấu rừng, hạn chế tình trạng lợi dụng tỉa thưa để phá rừng phòng hộ.