Tham dự Hội nghị có 150 đại biểu là lãnh đạo: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, các Sở, ngành liên quan; các thành viên Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát, Ban điều hành của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, thị trấn có diện tích rừng cung ứng DVMTR; các đơn vị cung ứng và sử dụng DVMTR; Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và trồng rừng thay thế trong năm 2014, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã huy động các nguồn thu đạt trên 242 tỷ đồng; trong đó: thu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt trên 212 tỷ đồng (đạt 169,74% kế hoạch), thu tiền trồng rừng thay thế đối với các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đạt trên 22 tỷ đồng và thu tiền lãi từ ngân hàng từ nguồn tiền chi trả DVMTR đạt trên 8 tỷ đồng.
Đồng chí Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum thông qua
Báo cáo tổng kết tại Hội nghị
Tổng số tiền Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã giải ngân đến hết niên độ năm 2014 đạt trên 204 tỷ đồng, trong đó tiền DVMMTR đã giải ngân trên 198 tỷ đồng (đạt 158,59% kế hoạch); tiền trồng rừng thay thế cho các đơn vị được giao kế hoạch trồng rừng trên 6 tỷ đồng.
Thông qua việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR năm 2014 đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và quyền lợi của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phát rừng làm nương rẫy đã giảm đáng kể theo từng năm; khuyến khích người dân tích cực tham gia vào công tác quản lý bảo vệ rừng; năng lực trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng là tổ chức được tăng cường. Triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong năm 2014 đã góp phần bảo vệ 331.422,48 ha rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chính sách DVMTR vẫn còn một số tồn tại, yếu kém như: Tình trạng xâm hại tài nguyên rừng vẫn còn diễn ra ở một số nơi, một số diện tích rừng đã được khoán quản lý bảo vệ nhưng vẫn còn để xảy ra tình trạng phá rừng trái phép làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép; UBND các xã, thị trấn còn lúng túng, chậm lập Phương án bảo vệ rừng và sử dụng tiền chi trả DVMTR hoặc đã triển khai lập phương án nhưng chưa đúng quy định; việc lập hồ sơ hiện trạng của các tổ chức này có nơi chưa được đầy đủ, đúng quy định; công tác nghiệm thu chưa đảm bảo thời gian quy định; công tác lập, phê duyệt dự toán của các đơn vị chưa kịp thời,….
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nhìn nhận một cách khách quan, nghiêm túc, đã phân tích rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để có những giải pháp phù hợp trong trong thời gian đến.
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2015 tỉnh Kon Tum phấn đấu hoàn thành một số chỉ tiêu cụ thể là: thu tiền chi trả DVMTR đạt trên 143 tỷ đồng, thu tiền trồng rừng thay thế trên 40 tỷ đồng. Bảo vệ tốt diện tích rừng cung ứng DVMTR khoảng 363.117,49 ha. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kon Tum sẽ triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ thống nhất tại Văn bản số 456/TTg-KTN ngày 06/4/2015.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh biểu dương những nỗ lực, phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, các ngành, các cấp, các đơn vị chủ rừng và các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng trong thời gian qua, đã góp phần đem lại những thành quả bước đầu. Tuy nhiên, để việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đạt hiệu quả, đồng chí đề nghị các Sở, ban ngành, đơn vị, địa phương có liên quan tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sau: tham mưu UBND tỉnh xem xét việc xử lý đối với các cơ sở sản xuất thủy điện không chấp hành nộp tiền dịch vụ môi trường rừng; tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chi trả DVMTR cấp huyện; hoàn chỉnh các Báo cáo thẩm định, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Phương án Bảo vệ rừng và sử dụng tiền DVMTR của UBND các xã, thị trấn; thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét Dự án trồng rừng thay thế của các đơn vị; có kế hoạch nghiệm thu diện tích rừng cung ứng phù hợp; tăng cường chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tình hình triển khai chính sách chi trả DVMTR của các chủ rừng trên địa bàn; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR; tăng cường khoán quản lý bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư, thực hiện nghiêm các quy định về chi trả cho hộ nhận khoán theo quy định; các đơn vị được UBND tỉnh giao kế hoạch trồng rừng thay thế khẩn trương lập dự án trình cấp có thẩm quyền thẩm định và trình UBND tỉnh xem./.