Là huyện vùng cao, có diện tích rừng rộng lớn với trên 66.650ha, Mù Cang Chải còn có trữ lượng gỗ lớn cũng như chủng loại phong phú, nhiều loài thuộc nhóm quý hiếm. Hôm nay, mảnh đất vùng cao này đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong trồng và phát triển vốn rừng, đồng bào các dân tộc đã biết trồng và tu bổ rừng.
Thông qua những buổi tuyên truyền, vận động, người dân đã hiểu rõ vai trò của rừng: rừng không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn có chức năng phòng hộ, cân bằng sinh thái, môi trường.
Bên cạnh đó, nhiều năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, sự đầu tư hỗ trợ từ các chương trình dự án về sản xuất nông - lâm nghiệp nên đời sống nhân dân nơi đây cũng vơi bớt khó khăn.
Mặt khác, huyện tích cực vận động nhân dân trồng và phát triển vốn rừng để tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn.
Trước đây, do tập quán cùng với nhận thức hạn chế, đa phần bà con đều coi việc trồng và bảo vệ rừng là của Nhà nước, của các nông lâm trường song vài năm trở lại đây, họ đã trồng và bảo vệ rừng, không chỉ có trồng rừng phòng hộ mà còn trồng cả rừng kinh tế. Toàn huyện có 13 xã và thị trấn thì tất cả đều nhận trồng rừng kinh tế bằng những loài cây bản địa như: xoan, sơn tra, thông mã vĩ, mây, trúc sào.
Không chỉ trồng, toàn bộ diện tích rừng phòng hộ, rừng khoanh nuôi tái sinh đã được các cộng đồng dân cư, nhóm hộ, hộ gia đình nhận khoán và bảo vệ nghiêm ngặt. Bình quân mỗi năm, Mù Cang Chải trồng được 700ha rừng, trong đó có 500ha rừng phòng hộ, 200ha rừng sản xuất.
Bên cạnh đó, đồng bào còn trồng hàng chục héc-ta rừng nhỏ lẻ tại các hộ gia đình, vườn, nương đồi của nhà, chất lượng rừng trồng đều đạt chất lượng, cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Cứ tưởng chỉ có vùng thấp mới trồng rừng kinh tế nhưng từ năm 2005 đến nay, năm nào người dân Mù Cang Chải cũng trồng trên 200ha rừng kinh tế, đưa tổng diện tích nay lên trên 4.000ha - đó được coi là một kỳ tích ở huyện vùng cao này! Quan trọng hơn là người dân đã nhận thức được trồng rừng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, phủ xanh đất trống đồi núi trọc mà còn có nhiệm vụ phòng hộ đầu nguồn, tránh lũ quét, hạn chế trôi rửa đất, cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường.
Song song với trồng rừng, toàn bộ diện tích rừng phòng hộ, khoanh nuôi tái sinh đã được giao cho từng hộ dân, nhóm hộ bảo vệ hiệu quả. 126 thôn, bản đều xây dựng quy ước bảo vệ rừng, ký cam kết bảo vệ, phòng chống cháy rừng và thành lập các tổ đội xung kích, phòng cháy chữa cháy rừng.
Nói về công tác phát triển vốn rừng, ông Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ngoài kết quả đã đạt được, trong những năm tiếp theo, huyện đẩy mạnh phong trào trồng và bảo vệ rừng. Hiện nay, huyện đã quy hoạch được 4.500ha để trồng rừng kinh tế theo đề án phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong trồng rừng kinh tế, huyện xác định đưa cây sơn tra vào trồng là chủ yếu. Đây là loại cây trồng rất phù hợp, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn hạn chế được cháy rừng.
Chỉ tính riêng trong năm 2013, nhân dân các dân tộc đã thu hái được hàng ngàn tấn quả sơn tra, bán thu về hàng chục tỷ đồng. Huyện cũng vận động nhân dân tham gia bảo vệ xây dựng Khu bảo tồn loài sinh cảnh Mù Cang Chải mà trung tâm nằm tại xã Chế Tạo... - ông Lâm thông tin thêm.
Kinh tế đồi rừng đã phát huy hiệu quả, người dân đã biết trồng và tu bổ rừng, nhiều hộ dân đã sống được bằng nghề rừng là những tín hiệu vui ở huyện vùng cao Mù Cang Chải. Quan trọng hơn là các cánh rừng xanh đã góp phần quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm lũ quét, hạn chế đất bạc màu.