Ngày 02/11, tại Thanh Hóa, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Ban quản lý dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam giai đoạn 3 tổ chức hội thảo “Khởi động nghiên cứu, thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cac-bon của rừng” nhằm giới thiệu tới các bên liên quan về khái niệm chi trả cho dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cac-bon của rừng và xác định phương pháp tiếp cận để triển khai ở Thanh Hóa. Hội thảo do ông Lê Văn Hưng - Phó giám đốc Ban quản lý các dự án lâm nghiệp kiêm đồng giám đốc ban quản lý dự án Rừng và đồng bằng Việt Nam chủ trì.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 30 đại biểu là đại diện đến từ Ban quản lý dự án trung ương, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, Văn phòng UBND tỉnh, các Sở Kế hoạch và đầu tư, Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Chi cục Kiểm lâm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thanh Hóa, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn trên địa bàn tỉnh như công ty xi măng Bỉm Sơn cùng nhóm tư vấn của dự án.
Tại hội thảo, nhóm tư vấn đã trình bày cơ sở tiến hành xây dựng cơ chế chi trả cho dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cac-bon của rừng; chia sẻ khái niệm biến đổi khí hậu và hạch toán cac-bon cũng như thị trường cac-bon thế giới và ý tưởng về thị trường cac-bon nội địa tại Việt Nam. Theo tư vấn, 4 lĩnh vực gây phát thải khí nhà kính lớn là năng lượng, xi măng, thép, giao thông vận tải. Tuy nhiên trong khuôn khổ dự án, nghiên cứu sẽ tập trung hướng đến chủ yếu đối tượng là nhà máy nhiệt điện và xi măng, nhấn mạnh về trách nhiệm xã hội của họ đối với việc bảo vệ rừng nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung.
Bày tỏ ý kiến tại hội thảo, đa số các đại biểu đồng thuận với chủ trương nghiên cứu của dự án tuy nhiên phải xác định rõ đối tượng phải chi trả vì hiện nay họ đang phải tuân thủ nhiều quy định về bảo vệ môi trường, hạn mức phát thải là bao nhiêu, mức chi trả bao nhiêu là phù hợp và để khuyến khích sự tham gia có nên xem xét cấp chứng chỉ/chứng nhận nào đó cho các công ty, nhà máy khi họ thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội?
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Hưng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Ông khẳng định nhóm tư vấn, ban quản lý dự án sẽ tiếp thu và phối hợp chặt chẽ với Quỹ trung ương, địa phương, cơ quan ban ngành, doanh nghiệp liên quan để nhanh chóng triển khai các hoạt động khảo sát, nghiên cứu, đánh giá theo kế hoạch.
Trong khuôn khổ dự án, hoạt động nghiên cứu, thí điểm đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cac-bon của rừng còn được triển khai tại tỉnh Quảng Ninh, dự kiến hội thảo khởi động tại địa bàn này sẽ được diễn ra vào ngày 08/11 sắp tới.