Đây là bước quan trọng. Hoạt động này sẽ tạo ra những kết quả nghiên cứu ban đầu về một số nội dung như: các loại dịch vụ và phạm vi cung ứng, đối tượng cung ứng, sử dụng dịch vụ, xác định giá trị DVMTR, đề xuất mức chi trả cho từng đối tượng, dự tính tổng nguồn thu, xác định quyền và nghĩa vụ cúa các bên liên quan đồng thời xác định rủi ro và những biện pháp giảm thiểu rủi ro.
Tham vấn về kết quả
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu ban đầu, bước tiếp theo sẽ là tham vấn các bên liên quan đến các kết quả này nhằm đảm bảo tính khách quan. Quá trình tham vấn kết quả sẽ phải xác định rõ đối tượng tham vấn là ai? (ví dụ như các bên cung ứng, sử dụng DVMTR, các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học, chuyên gia, tư vấn, các NGO, chương trình, dự án...); hình thức tham vấn như thế nào? (ví dụ có thể tổ chức dưới hình thức các cuộc họp kỹ thuật, hội thảo tham vấn vùng/khu vực/quốc gia, gửi văn bản lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị hoặc đăng tải trên cổng thông tin điện tử...); và nội dung tham vấn là kết quả nghiên cứu ở bước đầu tiên.
Chính sách thí điểm
Sau khi tham vấn các bên liên quan về kết quả nghiên cứu, trên cơ sở tổng hợp, phân tích, tiếp thu các ý kiến, cần chuẩn bị các thủ tục cần thiết để trình cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định về chính sách thí điểm.
Thực hiện thí điểm
Khi Quyết định về chính sách thí điểm được ban hành, công tác chuẩn bị các điều kiện thực hiện thí điểm rất quan trọng: thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác, xây dựng đề án, kế hoạch triển khai, huy động các nguồn lực hỗ trợ và phân công rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan. Tiếp đó, có kế hoạch tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, tăng cường năng lực; rà soát, đôn đốc, thúc đẩy quá trình ký kết hợp đồng ủy thác đảm bảo kế hoạch thu, chi hàng năm. Song song với đó thì việc kiểm tra, giám sát cũng cần được quan tâm, chú trọng và diễn ra thường xuyên. Thiết lập, tổ chức, hướng dẫn các kênh thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác theo dõi, giám sát.
Tổng kết, đánh giá
Sau khoảng thời gian nhất định của quá trình thực hiện chính sách, cần phải tổng kết tình hình triển khai, đánh giá kết quả thực hiện chính sách thí điểm, đánh giá các tác động chính của chính sách, nêu ra những khó khăn, thách thức, nguyên nhân, đề xuất giải pháp, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm.
Nhân rộng chính sách
Khi chu trình thực hiện 5 bước kể trên hoàn tất, bước cuối cùng không kém phần quan trọng là nhân rộng chính sách. Đây được coi là một trong những tiêu chí đánh giá sự hiệu quả của một chính sách. Để làm được điều này cần phải phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ tổng kết và đề xuất chính sách quốc gia; tham vấn ý kiến các Bộ, ngành...hoàn thiện dự thảo hồ sơ, tài liệu gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ; xây dựng và ban hành các thông tư, sổ tay, cẩm nang hướng dẫn thi hành và cuối cùng là chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện sau khi chính sách quốc gia được ban hành.
Trích bài trình bày “Các bước triển khai chính sách chi trả DVMTR ở Việt Nam” - Phạm Hồng Lượng- Phó Vụ trưởng Vụ KHTC, Tổng cục Lâm nghiệp, Phó Giám đốc VNFF