Trên cả nước hiện có 97 nhà máy thủy điện, thuộc 17 địa phương nợ đọng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ năm 2011 - 2014 với số tiền là 160.702.343 tỷ đồng.
Tính đến ngày 25/10/2015, cả nước đã thu được 1.117,78 tỷ đồng tiền DVMTR, đạt 85,49% kế hoạch năm, trong đó, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng trung ương thu 745 tỷ, các Quỹ tỉnh thu 371,17 tỷ đồng. Quỹ Trung ương đã giải ngân cho các tỉnh hơn 642,3 tỷ đồng, đồng thời, các tỉnh cũng đã giải ngân 360 tỷ đồng đến các chủ rừng. Mặc dù chính sách chi trả DVMTR đã đi vào cuộc sống và mang lại mỗi năm trên 1000 tỷ đồng cho người dân cung cấp dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chính sách, khó khăn lớn đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn là việc một số nhà máy thủy điện không ký hợp đồng ủy thác tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, không kê khai, chậm nộp tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Hợp đồng.
Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, đến ngày 30/10/2015, trên cả nước hiện có 97 nhà máy thủy điện nợ đọng tiền DVMTR từ năm 2011 - 2014 với số tiền là 160.702.343 tỷ đồng.Trong đó, số tiền nợ đọng của các nhà máy thủy điện công suất từ 30 MW trở lên là trên 64 tỷ và công suất thiết kế dưới 30 MW là trên 96,5 tỷ. Một số tỉnh có đơn vị sử dụng DVMTR nợ đọng tiền lớn là Sơn La (trên 24 tỷ), Gia Lai (trên 23,5 Tỷ), Kon Tum (trên 18 tỷ), Hà Giang (gần 18 tỷ). Trong đó, một số đơn vị điển hình như Thủy điện Nậm Chiến, thuộc Công ty Cổ phần điện Nậm Chiến: 24.845.709 tỷ đồng, Thủy điện Mường Hum thuộc Công ty cổ phần PTNL Sơn Vũ: 4.789.949 tỷ đồng, Thủy điện Đăk Ne thuộc Công ty Cổ phần Tấn Phát: 4.928.198 tỷ đồng, Thủy điện M’Mun thuộc Công ty Cổ phần thủy điện Gia Lai: 3.248.722 tỷ đồng,…
Ngày 27/4/2015, Nghị định 40/2015/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản được ban hành, trong đó có quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chi trả DVMTR. Theo đó, với số tiền trên 500 triệu đồng nếu không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ quá 03 tháng theo thời hạn ký kết trong hợp đồng sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chi trả đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng và tiền lãi phát sinh từ việc chậm chi trả trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt. Đối với mức tiền nợ thấp hơn thì các mức phạt tương ứng từ 5 triệu – 30 triệu đồng. Nghị định này đã có hiệu lực thi hành từ 20/6/2015, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào bị xử phạt.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 8826/BNN-TCLN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố về việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trưởng rừng, trong đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng chưa ký hợp đồng ủy thác chỉ trả, hoặc đã ký nhưng còn nợ để có biện pháp kiên quyết yêu cầu các đơn vị này thực hiện, đồng thời nghiêm túc thực hiện Nghị định 40/2015/NĐ-CP, báo cáo về Bộ trước 31/12/2015.
Trong buổi làm việc mới đây giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương nhằm thảo luận các giải pháp về vấn đề nợ đọng tiền dịch vụ môi trường rừng của các nhà máy thủy điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực đã khẳng định những khó khăn, vướng mắc của các nhà máy thủy điện liên quan đến thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được giải quyết. Cơ quan này cũng cam kết sẽ cùng với Tổng cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đôn đốc, kiểm tra để tổ chức thực hiện thành công chính sách.
Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Bộ cũng sẽ có những biện pháp kiên quyết để thể hiện sự nghiêm minh của luật pháp.